Để doanh nghiệp logistics không thua trên "sân nhà"
Thị phần logistics chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và khởi nghiệp đã ứng dụng công nghệ làm thay đổi ngành logistics, giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi. Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng thứ 8 trong tốp 10 quốc gia đứng đầu.
Hệ thống phân loại hàng hóa tự động của Lazada Việt Nam tại quận Long Biên, TP Hà Nội. |
Mặc dù dịch vụ logistics có nhiều cải thiện, tuy nhiên, dẫn số liệu thống kê của công ty nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines và cao gấp gần hai lần các nước phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, thị trường logistics trong nước đang gặp không ít nút thắt. Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên không có sức cạnh tranh, đa phần làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp... Nhìn vào thực tế, trong vận tải hàng hóa, doanh nghiệp logistics Việt Nam mới được khách hàng thuê vận chuyển tới cảng nội địa, sau cảng là do doanh nghiệp nước ngoài quyết định đơn vị vận chuyển. Vì thế, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều hạn chế về “sân chơi". Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Nguyễn Quốc Phương cho biết, trong cơ cấu tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa, hàng hóa quốc tế chiếm đến 80% và thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm 12%, còn lại 88% nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.
Chuyển đổi công nghệ, hình thành các mạng lưới logistics
Nhu cầu phục vụ quy mô xuất, nhập khẩu và bán lẻ hàng hóa ngày càng lớn đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logictics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Bàn về giải pháp phát triển ngành logistics, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, với thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất-nhập khẩu, qua đó sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...
Theo các chuyên gia, để có thể làm chủ thị trường logistics, các doanh nghiệp logistics trong nước phải có sự thay đổi, không chuyển đổi số doanh nghiệp logistics sẽ mất sức cạnh tranh, mất dần thị phần. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog Đỗ Huy Bình nhìn nhận, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hiệu quả, giảm chi phí. "Đầu tư cho công nghệ là bài toán sống còn của mỗi doanh nghiệp logistics, đó cũng là đầu tư cho tương lai". Có cùng quan điểm, Giám đốc Bộ phận vận chuyển của Lazada Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh đề xuất, để dịch vụ logistics phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của doanh nghiệp vào hạ tầng logistics, số hóa các khâu từ giao hàng đến thanh toán...
Nhìn ở góc độ khác, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; kết nối giữa các phương thức vận tải và các doanh nghiệp còn hạn chế vẫn tiếp tục là nguyên nhân khiến chi phí vận tải tại Việt Nam còn quá cao, thiếu tính cạnh tranh. Chính vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, ngoài việc tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp thì cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp logistics.
Theo Minh Đức (Báo Quân đội Nhân dân)