Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin vào khảo sát bom mìn, vật nổ
Đây là dự án mang lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu, khoanh vùng đất ô nhiễm trên phạm vi toàn quốc thông qua bản đồ kỹ thuật số.
Dự án KSKT xác định khu vực ảnh hưởng bom mìn, vật nổ được chính thức xây dựng quy trình từ năm 2016. Quy trình khảo sát được Bộ Quốc phòng cho phép áp dụng vào các chương trình do VNMAC thực hiện. Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy, hai năm sau, dự án KSKT được khởi động tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ những thành công bước đầu thử nghiệm tại hai xã Hương Lâm và Sơn Thủy, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 10-2019, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2, khảo sát 244 điểm bằng chứng về bom mìn, vật nổ và 163 khu vực nghi ngờ ô nhiễm trong phạm vi 38 thôn của 10 xã thuộc huyện A Lưới.
Tiến hành khảo sát kỹ thuật, xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Là một dự án nhân đạo, các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ban quản lý dự án xác định đây là nhiệm vụ chính trị, lực lượng quân đội chung tay với địa phương nhanh chóng bắt tay vào thực hiện kế hoạch, sớm trả lại nguồn đất sạch, mang lại cuộc sống ổn định cho nhân dân. Do vậy, ngay sau khi triển khai chương trình, Trung tâm VNMAC đã thành lập Ban chỉ huy công trường, 4 đội khảo sát gồm 22 thành viên và đầy đủ các trang thiết bị tiên tiến. Sự phối hợp chặt chẽ của Ban CHQS huyện A Lưới trong công tác khảo sát phi kỹ thuật đã đẩy nhanh tiến độ KSKT. Trung tá Nguyễn Tấn Thắng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Ban CHQS huyện A Lưới phối hợp với chính quyền giúp đỡ nhân viên KSKT, xác định khu vực nguy hiểm, xác định điểm bằng chứng dựa vào dữ liệu lịch sử, phỏng vấn những người cung cấp thông tin; đánh dấu điểm bằng chứng mới...
Dựa vào điểm bằng chứng, các đội đa năng tiếp cận từ các hướng khác nhau, khảo sát diện tích 2x2km quanh điểm bằng chứng, được chia thành 1.600 ô, kết quả được hiện trên bản đồ kỹ thuật số với bảng màu: Màu đỏ là nơi có bằng chứng phi kỹ thuật; màu xanh là khu vực đất an toàn; ngoài ra bảng màu còn thể hiện được nơi phát hiện bom chùm, nơi phát hiện các vật liệu nổ, nơi không phát hiện bất thường và nơi cảnh báo không thể phát hiện ô nhiễm.
Trao đổi với chúng tôi tại hội nghị đánh giá kết quả dự án KSKT xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ giai đoạn 2 tại Thừa Thiên Huế, Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp, Phó tổng giám đốc VNMAC, Trưởng ban Quản lý dự án, cho biết: Dự án lần này mang tính ưu việt, các ứng dụng của công nghệ thông tin đã giúp cho các tổ, ban quản lý dự án luôn nắm bắt quá trình tổ chức khảo sát, quản lý hồ sơ, kết quả thi công trong từng ngày; phát hiện được lỗi về kỹ thuật và công tác tổ chức, từ đó kịp thời điều chỉnh, mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau 12 tháng triển khai, đã KSKT được 910,5ha trong tổng số gần 1.600ha đất ô nhiễm ở 10 khu vực nguy hiểm, phát hiện và xử lý 504 bom chùm, 115 vật liệu nổ các loại.
Với những kỹ thuật mới, dự án triển khai nhanh, an toàn tuyệt đối, khẳng định được khu vực đất ô nhiễm bom mìn, vật nổ, xác định chủng loại, quy mô và mức độ ô nhiễm. Đồng thời, giải pháp kỹ thuật cũng giúp cho hoạt động rà phá bom mìn trở nên hiệu quả hơn, thu hẹp vùng nghi ngờ ô nhiễm, giảm yêu cầu việc rà phá toàn bộ, tiết kiệm ngân sách. VNMAC và các nhà tài trợ, đồng hành đã đánh giá công nghệ, kỹ thuật này mang tính khả thi cao và mong muốn sớm được áp dụng rộng rãi trong các chương trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ trên toàn quốc.
" theo qdnd.vn "