"Không có trường lớp nào đào tạo: Làm sao để khởi nghiệp thành công?"
Bây giờ nên khởi nghiệp hay cuối năm 2021 và làm thế nào để khởi nghiệp thành công?"- đây là câu hỏi do một bạn trẻ đặt ra, mong kiếm tìm câu trả lời từ các diễn giả tham dự Shark Tank Forum 2020 với chủ đề “Định Nghĩa Lại Tương Lai” được TV Hub tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Trong khi Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho rằng: Không nên xem khởi nghiệp là việc phải làm và chỉ bắt tay vào khi đầy đủ nhiều nền tảng như kiến thức, kinh nghiệm,...thì ông Nguyễn Mạnh Dũng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures lại chọn câu trả lời là, "tuỳ lĩnh vực".
Doanh nhân này đã tiếp xúc với nhiều bạn trẻ sinh năm 2000, nghĩa là năm nay mới 20 tuổi mà đã khởi nghiệp bằng cách tận dụng các nền tảng sẵn có như Facebook, Amazon,... thay vì mộng ước xây dựng một hệ thống, công cụ công nghệ với lượng vốn đầu tư lớn ngay từ đầu. Từ việc bán một vài sản phẩm nào đó, ông Dũng tin rằng, khả năng thấu hiểu thị trường, khách hàng,.. sẽ dần thành hình.
"Nên khởi nghiệp trong độ tuổi từ 25-35. Bởi lúc này ít nhất đang có nền tảng giao tiếp ở bên ngoài, có các mối quan hệ nhưng cũng phải vừa học vừa làm.
Không có trường lớp nào đào tạo: Làm sao để khởi nghiệp thành công?
Họ chỉ cho bạn kiến thức tổng quan và trên nền tảng này, chính bạn phải tự đi tìm câu trả lời về sản phẩm, thị trường nào, chân dung khách hàng", ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ quan điểm cá nhân, khi vừa khởi nghiệp ở tuổi 40 với Do Ventures, sau hơn một thập kỷ đầu quân trong Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent (Nhật Bản).
Nhưng dù kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ có dày dặn đến mức nào, mối quan hệ với không ít doanh nhân trong, ngoài nước có bền chặt đến đâu hay nỗ lực tự thân, làm việc bền bỉ ra sao thì ông Dũng cũng không miễn nhiễm từ các thách thức mà đại dịch Covid-19 mang lại.
"Vốn hoá của các công ty niêm yết- đối tác cam kết đầu tư vào Do Ventures giảm sút khiến mọi kế hoạch của chúng tôi bị đảo lộn. Nhưng khi đã quyết tâm thì phải cương quyết theo đuổi mục tiêu của Do là khởi nghiệp để hỗ trợ khởi nghiệp và mong trong thời điểm khó khăn này có thể hỗ trợ nhiều bạn trẻ khởi nghiệp", nhà sáng lập Do Ventures chia sẻ.
Hiện đội ngũ Quỹ này có hơn 10 người, đang tích cực đi đầu tư các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Cam kết hỗ trợ, đầu tư với giá trị thương vụ đầu tư lớn hơn khi làm ở CyberAgent (tối đa tại đây khoảng 2 triệu USD/startup), ông Dũng tin rằng, sẽ nhanh chóng chốt thương vụ trong khi thị trường liên tục biến đổi và cần ra quyết định nhanh với tốc độ nhanh hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures (Ảnh: TV Hub). |
Hỗ trợ cho start-up nhanh hơn cũng là cơ hội cho chính Do Ventures. Tuy nhiên, gu đầu tư vào công ty khởi nghiệp dần hướng vào các giá trị phát triển bền vững.
Đa số các start-up sẽ gặp nhiều khó khăn trong hành trình gọi vốn từ đầu năm đến nay và có thể kéo dài hơn nữa.
Nhưng, giám đốc điều hành Do Ventures nhìn thấy tiềm năng kiếm tìm lợi nhuận và thúc đẩy tăng trưởng đến từ các công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ dịch chuyển cho tương lai như phục vụ quản trị doanh nghiệp trên nền tảng số, y tế, giáo dục công nghệ, nền tảng bán hàng không cần tiếp xúc trực tiếp,...
Tại một Hội thảo được tổ chức gần đây theo phương thức trực tuyến, bà Chelsea Nguyễn, giám đốc đầu tư của ThinkZone Ventures đánh giá, start-up sẽ không chỉ gặp thách thức về gọi vốn do ảnh hưởng từ đại dịch mà còn phải định hình chiến lược phát triển bền vững thay vì chỉ tìm đến mô hình “đốt tiền” để tăng trưởng.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng cũng đưa ra quan điểm tương tự.
"Các start-up sẽ không đốt tiền để có doanh số, làm đẹp số liệu,..sẽ có thể thu hút vốn. Nhà đầu tư như chúng tôi quan tâm đến sự phát triển bền vững", ông Dũng chia sẻ.
Các diễn giả phiên thảo luận đầu tiên tại Shark Tank Forum 2020 do TV Hub tổ chức tại TP.HCM (Ảnh: Hồng Phúc). |
Cân đo đong đếm định giá của start-up khi gọi vốn đầu tư đều là việc quan trọng với cả bên nhận vốn lẫn từ phía rót vốn.
Nhưng, đại dịch đã làm hạ giá thành các loại tài sản, đảo ngược xu hướng trong những những năm gần đây, khiến mô hình kinh doanh của nhiều công ty thay đổi rõ nét, kéo theo đó là nhu cầu bán- mua các loại tài sản để xây dựng, cũng cố chiến lược kinh doanh mới.
Mức định giá các start-up cũng bị giảm sút. Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Thành viên Ban điều hành cấp cao Ernst & Young (EY) cho rằng, “thời càng khó nên càng cần khiêm nhường về mặt giá trị, ai mang đến nguồn tài chính hay các hỗ trợ khác thì start-up cũng phải trân trọng”.
Vị này quan sát thấy không ít start-up khi gọi được vốn liền thay đổi cách tiêu tiền và dần đi vào con đường lãng phí.
Kết quả ở cuối con đường là thất bại, trong khi chính các doanh nghiệp quy mô lớn cũng luôn phải tiết kiệm. Một đồng tiết kiệm có một đồng để tái đầu tư.
Đồng quan điểm, thay vì dự trữ “lương khô" cho 3-6 tháng như giai đoạn trước khi dịch xảy ra thì từ nay, theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, dòng tiền của start-up phải đủ duy trì hoạt động doanh nghiệp từ 18-24 tháng khi mất nhiều thời gian để các vòng gọi vốn hoàn tất.
“Dù giai đoạn khủng hoảng hay không, chúng ta cũng phải quay lại bài toán chính liên quan đến quản lý tài chính. Các khoản tiêu hoang phải cắt và dù làm việc ở nhà hay ở đâu cũng không thể để tinh thần làm việc giảm xuống”, ông Dũng nói.
Thêm vào đó, dù khởi nghiệp hay đầu quân vào doanh nghiệp, dù làm chủ hay làm công đều cần làm việc chăm chỉ.
“Mỗi khi đi tìm ý tưởng, tôi đều phát hiện ra đã có người làm và thậm chí, họ còn làm hay hơn kỳ vọng của mình. Nhiều lần thất vọng khi nghĩ ra một ý tưởng mà mình cho là hay nhưng khi bắt tay vào lại không làm nổi. Tôi mất nhiều năm mới hoàn thành luận án tiến sĩ bắt đầu từ tìm ý tưởng để thấy rằng, việc gì cũng cần chăm chỉ để thực hiện”, ông Trần Vinh Dự lấy ví dụ về việc mất hơn 2 năm “đào bới" các chủ đề cho luận án trước khi chọn được một.
" Theo baudautu.vn"