Kinh tế số mở ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Trịnh Duy Hoàng, Công ty nghiên cứu thị trường Vietanalystic cho rằng, kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số chưa cao. “Nhiều doanh nghiệp vẫn thấy công nghệ số là thứ gì đó rất xa lạ, đa phần mới chỉ được nghe nói đến nhưng để ứng dụng kinh doanh nhờ vào công nghệ này vẫn không nhiều doanh nghiệp thực hiện, một phần do chi phí đầu tư”, ông Hoàng chỉ rõ.
Chất lượng nguồn nhân lực đang là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế số |
Theo quan điểm của ông Hoàng, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là yếu tố nhân lực. Hiện nay, những Start-up mới nổi ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi lên từ các doanh nghiệp hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nên bản thân các doanh nghiệp này cũng không có đủ năng lực, nhân lực để tiếp cận công nghệ trong nền kinh tế số.
Vì thế, các doanh nghiệp đã được tiếp cận công nghệ số và dữ liệu số rất cần thiết đầu tư về công nghệ thông tin. Với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, mỗi doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận dần với việc mã hóa dữ liệu nên cũng không quá đáng ngại về công nghệ bảo mật của mỗi doanh nghiệp.
“Điểm nhấn quan trọng là để hòa nhập nền kinh tế số, cơ quan chức năng cần xóa bỏ rào cản về tư duy quản lý đối với các hình thức kinh doanh mới có liên quan đến công nghệ số”, ông Hoàng nêu giải pháp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế số chính là cuộc cách mạng trong phát triển kinh tế, là nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như siêu nhỏ có thể phát triển và tiếp cận thị trường toàn cầu.
Với công nghệ số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bình đẳng hơn với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận đối tác, thương trường và bạn hàng nên đây là cơ hội phát triển rất lớn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh tế số và thương mại điện tử đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên, xóa bỏ được các bất lợi cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận được thị trường toàn cầu.
“Muốn tận dụng được cơ hội này doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng phải minh bạch, áp dụng cho được hệ thống quản trị đạt chuẩn toàn cầu. Về phía Nhà nước, cần phải tạo nên một hệ thống thể chế thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ số cho quá trình đổi mới sáng tạo và đồng thời cũng phải đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kĩ thuật cho nền kinh tế số”, ông Lộc nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Lộc, để doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận nền kinh tế số, toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo cũng phải được cải cách, tái cấu trúc theo hướng tập trung vào nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số. Bởi theo dự báo hiện nay, trong thời gian tới nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế số, cho công nghệ thông tin đang rất mạnh mẽ, khả năng thiếu hụt lực lượng lao động này là rất lớn.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực đang chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế số cũng như quá trình tự động hóa của Cách mạng công nghiệp 4.0 như dệt may, giày dép hay điện tử sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp của các lao động giản đơn trong lĩnh vực này rất lớn. Chính vì vậy, cần phải đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi lực lượng lao động này sang các công việc phù hợp với nền kinh tế số cũng là yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp.
“Về khung khổ pháp luật và thể chế trong nền kinh tế số, cần phải có những biện pháp để có thể bảo vệ được sự an toàn và riêng tư cũng như tính bảo mật trong kinh doanh và đời sống xã hội, điều này là thách thức rất lớn. An toàn, an ninh mạng và là việc đang được cả thế giới quan tâm và đặc biệt với Việt Nam, kinh tế số đang ở giai đoạn khởi đầu nên cần phải quan tâm từ những bước đầu tiên. Cần có hệ thống thể chế cũng như nền tảng hạ tầng đảm bảo, thúc đẩy sáng tạo đồng thời kiểm soát an ninh và an toàn thông tin, bí mật kinh doanh để hấp dẫn doanh nghiệp”, ông Lộc chỉ rõ./
Theo VOV.vn