Muốn xuất khẩu, cơ sở nuôi thủy sản phải được cấp mã số
Phóng viên (PV): Thưa ông, vì sao chúng ta lại phải cấp mã số vùng nuôi và ý nghĩa của việc làm này?
Ông Trần Đình Luân: Việc yêu cầu có mã số cơ sở nuôi cá tra không chỉ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu mà còn giúp các nhà quản lý có thêm thông tin để chỉ đạo sản xuất. Căn cứ số liệu qua việc cấp mã số, chúng ta biết được số diện tích, sản lượng dự kiến sản xuất trong năm để có những giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp. Cấp mã số vùng còn giúp chúng ta dễ dàng truy xuất được lô sản phẩm đó của ai, ở đâu, sản phẩm gặp vấn đề ở khâu nào (sản xuất, vận chuyển hay sơ chế, chế biến).
Hơn nữa, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với các nhà nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường Mỹ khi thực thi đạo luật Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) ngày càng khắt khe hơn. Khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì việc tuân thủ quy tắc về xuất xứ nguyên liệu hàng hóa càng phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc các quy định pháp luật của nước ta ưu tiên quy định ban đầu đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực phải đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi thủy sản đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Ông Trần Đình Luân. Ảnh: DIỆP ANH |
PV: Hiện việc cấp mã số vùng nuôi tôm lại đang gặp khó khăn, vậy nguyên do và vướng mắc từ đâu, thưa ông?
Ông Trần Đình Luân: Qua thực tế, tôi cho rằng nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân nuôi tôm còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức. Người nuôi tôm chưa nhận thức, hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Một số địa phương có cơ sở nuôi tôm ở xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện.
Nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định; hoặc do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hằng năm, đất ven sông... nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản. Vì vậy, người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản. Nhiều cơ sở nuôi tôm đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản...
Nuôi cá tra ở TP Cần Thơ. (ảnh đã dùng bài Thuận thiên để phát triển, báo Tết ngày 2021) Ảnh: NGHINH XUÂN |
PV: Thưa ông, Tổng cục Thủy sản sẽ làm gì để hỗ trợ các địa phương trong việc cấp mã số vùng, ao nuôi tôm?
Ông Trần Đình Luân: Để xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp giấy xác nhận mã số trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nuôi nắm được các quy định và tự giác thực hiện. Đối với những vướng mắc liên quan đến quy định về hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng cục sẽ rà soát lại các quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và chế tài xử phạt tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP để đề xuất điều chỉnh phù hợp. Tổng cục sẽ xem xét đề xuất điều chỉnh quy định phân cấp cho cơ quan quản lý cấp huyện đăng ký để đẩy nhanh tiến độ (dự kiến sẽ trình nghị định sửa đổi Nghị định 26 và Nghị định 42 vào cuối năm 2021). Đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định đối với các vùng đã quy hoạch, lập kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người nuôi tôm thực hiện đăng ký.
PV: Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành thủy sản. Để đạt mục tiêu tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2021, ngành thủy sản đã và sẽ làm gì?
Ông Trần Đình Luân: Đạt được kế hoạch đề ra cho 5 tháng còn lại của năm 2021 là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Việc quan trọng trước mắt hiện nay là tập trung cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong các khu vực thực hiện giãn cách, phong tỏa; điều chỉnh sản xuất phù hợp với tình hình thực tế chống dịch, nhất là không để thiếu nguồn cung vật tư đầu vào và tranh thủ cơ hội của thị trường để kết nối tiêu thụ... Với quyết tâm cao của ngành thủy sản cùng những giải pháp chống dịch của cả hệ thống chính trị hiện nay, hy vọng kế hoạch đề ra trong năm 2021 của ngành thủy sản sẽ đạt kết quả tích cực; làm tiền đề cho mục tiêu phát triển ngành thủy sản trong năm 2022 và những năm tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Kiểm (Báo Quân đội Nhân dân)