Nhân tố thành công và phát triển bền vững của Công ty 732
“Đội ngũ thợ khai thác mủ cao su tâm huyết, gắn bó với công ty và có trình độ tay nghề cao là một trong những nguyên nhân đạt được kết quả đó”, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty 732 cho biết.
Chúng tôi tìm hiểu thực tế tại 10 đội sản xuất của Công ty 732 và ghi nhận nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề đội ngũ thợ khai thác mủ cao su.
Nhờ đó, trong gần 700 thợ của Công ty 732 quản lý, khai thác 2.343,15ha cao su có đến 96,7% thợ đạt tay nghề khá, giỏi; chỉ 3,3% tay nghề trung bình. Anh Đinh Văn Đồng, thợ khai thác mủ cao su Đội 3 (Công ty 732), từ năm 2007 đến nay gần như năm nào cũng được đánh giá thợ giỏi; mới đây trong hội thi thợ khai thác mủ cao su cấp đội, anh đoạt giải nhất.
Anh Đinh Văn Đồng thành thạo kỹ năng khai thác mủ cao su. |
Theo anh Đồng, để có trình độ tay nghề như hiện nay, anh phải trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện khắt khe của công ty. Ngoài lớp đào tạo nghề gần 3 tháng sau khi tiếp nhận công nhân mới, công ty còn đánh giá trình độ tay nghề của từng thợ theo tháng, quý và năm.
Những thợ trình độ tay nghề thấp được công ty đào tạo lại theo phương châm “yếu cái gì đào tạo, bồi dưỡng cái đó”, phân công cán bộ, thợ giỏi kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ để cùng tiến bộ. Thực hiện hiệu quả Phong trào “Thức đêm cùng người lao động”, mọi cán bộ từ ban giám đốc đến các cơ quan đều luân phiên thức đêm kiểm tra, động viên thợ trong quá trình khai thác mủ.
“Mỗi đường cạo của thợ có vuông tiền, vuông hậu, có đúng độ sâu, độ dốc hay lượn sóng, lệch miệng... đều được lãnh đạo đội sản xuất và công ty nắm rõ như trong lòng bàn tay. Từ đó có những giải pháp bồi dưỡng phù hợp”, anh Đồng cho biết.
Điều đặc biệt là đội ngũ thợ của Công ty 732 có hơn 50% người dân tộc thiểu số, phong tục tập quán, lối sống, nhận thức gây khó khăn nhất định cho việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề.
Để khắc phục vấn đề này, công ty triển khai linh hoạt các hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đồng bào; trong đó chú trọng từng động tác mẫu để ai cũng có thể bắt chước làm theo cho đến khi thuần thục và thành kỹ năng. Tăng cường thực hành vào ban đêm, giúp thợ quen với điều kiện lao động thực tế; thực hiện nghiệm thu duyệt lương dựa trên tay nghề và sản lượng mủ thu được, bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả mọi người.
Chị Y Sao Ết, người dân tộc Xơ Đăng, thợ khai thác mủ cao su Đội 11 (Công ty 732), chia sẻ: “Khi mới vào nghề, mình vụng lắm, cán bộ hướng dẫn nhiều lần rồi mà đường cạo vẫn không vuông, không đúng độ dốc. Biết vậy nhưng cán bộ vẫn kiên trì cầm tay, hướng dẫn từng đường cạo, giúp mình tiến bộ dần. Hằng ngày nhắc nhở mình trước khi lên lô phải chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, nhất là mài dao cạo mủ cao su sao cho sắc bén, mọi tác động vào cây đều phải đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; vào mùa mưa phải tỉ mỉ kiểm tra, đánh dấu vị trí rò rỉ trên từng cây để khắc phục... Giờ thì mình thành thợ giỏi rồi, thu nhập hằng tháng hơn 7 triệu đồng, cuộc sống ổn định”.
Trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi được biết, việc đánh giá một thợ khai thác mủ cao su giỏi hay không bao gồm nhiều yếu tố như: Thực hiện quy trình chăm sóc, khai thác; chất lượng vườn cây; hệ thống máng mái, dụng cụ khai thác, vệ sinh vườn cây; kỹ thuật cạo, năng suất sản lượng... Vì vậy, việc đánh giá, phân loại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước những khó khăn do giá mủ cao su xuống thấp, dịch Covid-19 hoành hành và thời tiết, khí hậu ở khu vực biên giới khắc nghiệt, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 732 đã đánh giá, phân chia vườn cây, định mức lao động phù hợp với sức khỏe, trình độ tay nghề của từng thợ và động viên thợ đầu tư phân NPK bón tăng thêm để nâng cao chất lượng vườn cây.
Triển khai Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” rộng khắp, thực chất, hiệu quả ở ngay cấp đội với nguyên tắc “thợ khai thác mủ cao su là trung tâm, là nhân tố thành công và phát triển bền vững của công ty”. Cùng với đó là các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ thợ gặp khó khăn cả về vật chất và tinh thần để họ nỗ lực vươn lên hoàn thiện tay nghề, yên tâm gắn bó với công ty.
" Theo qdnd.vn "