Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư được quy định như thế nào?
Câu hỏi:
Việc chuyển lợi nhuận từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2014 thì việc chuyển lợi nhuận từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
- Trừ trường hợp sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại Điều 66 của Luật Đầu tư 2014, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.
- Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Đầu tư 2014 mà chưa chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam, nhà đầu tư phải có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 06 tháng và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bằng văn bản.
Câu hỏi:
Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư 2014 thì nội dung quản lý nhà nước về đầu tư được quy định cụ thể như sau:
- Ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
- Tổng hợp tình hình đầu tư, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế vĩ mô của hoạt động đầu tư.
- Xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
- Cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật này.
- Quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
- Tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư; quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư.
- Hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, yêu cầu của nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư.
- Đàm phán, ký kết điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư.
Câu hỏi:
Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2014 thì hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định cụ thể như sau:
- Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư:
+ Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
+ Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
- Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
+ Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư 2014;
+ Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Đầu tư 2014;
+ Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư;
+ Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên;
+ Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai.
- Ưu đãi đầu tư đối với các đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2014 không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô.