Startup công nghệ Việt thành công nhờ khai thác thị trường người tài
JobHopin được thành lập hơn 5 năm, tập trung ứng dụng AI để giải quyết những vấn đề về dữ liệu của người tìm việc cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng trong ngành công nghệ số tại Việt Nam. Với hướng đi rõ ràng, giải đúng bài toán người tài khan hiếm, JobHopin lập tức trở thành startup được đón nhận nồng nhiệt.
Hàng loạt những doanh nghiệp lớn đã tìm hiểu về công nghệ tuyển dụng bằng AI của JobHopin, sau đó trở thành khách hàng thân thiết như KPMG, Momo, ACB, Abbot, TVL Group, ConCung… Mới đây nhất, SAP toàn cầu - một trong những nhà cung cấp phần mềm lớn nhất thế giới vừa chính thức tích hợp JobHopin thành giải pháp tuyển dụng đến từ Việt Nam.
JobHopin đã phát triển đội ngũ hơn 120 nhân viên.
Trao đổi với PV, Kevin Tùng Nguyễn - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của JobHopin cho biết, ý tưởng ra đời JobHopin nhằm trả lời câu hỏi: Làm sao để các doanh nghiệp có thể tự động hóa tất cả các quy trình sàng lọc, phân tích, kết nối với nhân sự tài năng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất?
“Muốn làm được việc này thì mình cần phải xây dựng nền tảng trên hệ thống đám mây, để có thể xây dựng được cơ sở hạ tầng có tính mở rộng quy mô cao và tính bảo mật dữ liệu phải cực kỳ tốt. Vì ở đây mình phân tích các dữ liệu của khách hàng cũng như phân tích dữ liệu của các nền tảng online”, vị CEO tự tìm lời giải cho bài toán lúc bấy giờ.
Anh Kevin Tùng Nguyễn, CEO của JobHopin trong lần hợp tác chiến lược với Thái Vân Linh (Shark Linh)
Theo Kevin Tùng Nguyễn, JobHopin đã rất may mắn khi có duyên làm việc với Amazon Web Services (AWS) ngay từ những ngày đầu tiên, được hỗ trợ về mặt kinh phí sử dụng dịch vụ đám mây cũng như tư vấn về công nghệ hiện đại.
Cụ thể, JobHopin làm việc với AWS từ năm 2018 thông qua chương trình AWS Activate, và đã nhận tới 100.000 USD dạng AWS credits để tiếp cận và sử dụng các dịch vụ đám mây của AWS.
“AWS rất tuyệt vời! Khi JobHopin còn nhỏ xíu, không đủ chi phí để trả cho những dịch vụ trên nền tảng này thì AWS sẵn sàng hỗ trợ gần cả trăm nghìn đô la Mỹ về sử dụng các dịch vụ phân tích, lưu trữ và quản lý dữ liệu trên đám mây, nhờ đó AI của JobHopin được huấn luyện hiệu quả và chính xác hơn”, anh Kevin đánh giá.
Với những hỗ trợ AWS Credits, JobHopin đã ứng dụng nhiều dịch vụ của AWS để phát triển sản phẩm của mình, ví dụ như ứng dụng kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) để xây dựng các API server cho các giao diện người dùng, xử lý các tác vụ định kỳ với công cụ Task và Redis, nâng cao hiệu suất thông qua lưu trữ dữ liệu (relational database service) và Cache System (ElastiCache)…
JobHopin cũng sử dụng dịch vụ về học máy, học sâu như Amazon Tensorflow giúp huấn luyện Bunny AI của mình ngày càng hiệu quả và chính xác hơn, trong khi đó Amazon Lambda để quản lý và điều phối dữ liệu một cách phù hợp.
“Các dịch vụ đám mây AWS giúp JobHopin có thể giải quyết những vấn đề thường xuyên hơn, tự động hơn. Nó có thể tránh được và có thể cho mình biết những lỗ hổng nào trong hệ thống của mình, có nghĩa là không những dự đoán mà mình còn tránh được những lỗi xảy ra trong tương lai”, Kevin mô tả.
Thực tế ứng dụng, anh Kevin so sánh: Nếu như phải phân tích thủ công để coi những hồ sơ của ứng viên (CV), những công việc trên online mỗi ngày thì các doanh nghiệp chỉ đọc được vài trăm CV. Nhưng khi sử dụng nền tảng Bunny AI mà JobHopin đã xây dựng trong 5 năm qua, doanh nghiệp có thể tải lên hàng chục nghìn tài liệu chỉ trong vài phút, giúp phát hiện những dữ liệu bị trùng lặp hay bị cũ, thậm chí đánh giá những dữ liệu đó so với xu hướng thị trường hiện tại.
“Với việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), Máy học (Machine Learning), Học sâu (Deep Learning),… thì các doanh nghiệp có thể phân tích, tập trung tiếp cận các hồ sơ nhân sự một cách nhanh hơn, thông minh hơn, và dễ dàng thay vì thủ công phải ngồi đọc và phân tích từng hồ sơ”, anh Kevin nói.
“Ngày xưa mọi người nghĩ AI là cái gì đó rất xa vời, rất khó để ứng dụng. Đến hiện tại, câu hỏi không phải là có nên ứng dụng AI không mà phải ứng dụng làm sao để có hiệu quả nhất, ứng dụng như thế nào để tối ưu chi phí, bảo mật cao, có tính mở rộng quy mô lớn theo mức độ phát triển của doanh nghiệp. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng mà JobHopin tập trung vào”, anh nói thêm.
Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm JobHopin đều tăng trưởng gấp 3 lần về doanh nghiệp cũng như về khả năng công nghệ của AI. AI không những đọc được dữ liệu trong CV, mô tả công việc bằng tiếng Việt, mà còn sử dụng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt cho những khách hàng của Nhật, Hàn Quốc,... Sắp tới, JobHopin sẽ có thêm tiếng Bahasa của Indonesia.
Được biết, sau khi phân tích được hơn 12 triệu hồ sơ nhân sự, đặc biệt là lao động trí thức (whitecollar) tại Việt Nam, đến hiện tại, JobHopin đã có dữ liệu của hàng triệu active unique users (người dùng kích hoạt và không trùng lặp) trong hồ sơ nhân sự nhóm trí thức tại Việt Nam.
Với những thành công bước đầu của mình, JobHopin đã gọi vốn được hơn 3 triệu USD từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đặc biệt là Mynavi ở Nhật, Edulab ở Boston, Translink ở thung lũng Silicon (Mỹ), KK Fund ở Singapore. Sắp tới đây, JobHopin tham vọng sẽ xâm nhập các thị trường châu Á lân cận như Singapore, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc.
" Theo danviet.vn "