TÂN CẢNG SÀI GÒN- ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, HƯỚNG ĐẾN HỆ SINH THÁI SỐ E SNP
Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cảng biển, với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 50% cả nước, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn - SNP) đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ rất sớm. Và hiện nay, Tổng Công ty đang đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuyển đổi số toàn diện trong dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp và hướng đến hoàn chỉnh hệ sinh thái số eSNP nhằm mang đến hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Hướng đi và những thành công bước đầu trong kế hoạch chuyển đổi số của Tân Cảng Sài Gòn tạo được sự ảnh hưởng tích cực đối với tương lai của ngành logistics Việt Nam.
Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì
Chuyển đổi số trong dịch vụ khách hàng
Cổng thông tin và giao dịch trực tuyến (ePort)
Eport được chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2012 với chức năng ban đầu là cung cấp thông tin container, tàu chuyến, danh sách container nhập/xuất, công cụ theo dõi tình hình giải phóng tàu. Đến nay, cổng ePort đã thực hiện thêm được các chức năng như: Khai báo và thanh toán trực tuyến qua mạng; Xuất hóa đơn điện tử; Tích hợp chương trình khách hàng thân thiết; dự kiến trong quý IV/2020 hoàn thiện chức năng thanh lý/vào sổ tàu tự động... Với những tính năng trên, hiện nay, đối với container hàng xuất, khách hàng không cần phải đi đến cảng để làm thủ tục, toàn bộ thủ tục thực hiện qua ePort.
Hệ thống giám sát hải quan tự động
Hệ thống giám sát hải quan tự động tại cảng Cát Lái được triển khai từ tháng 10/2018, giúp thời gian làm thủ tục, thông quan tại cảng giảm đáng kể. Thời gian xe đậu chờ tại cổng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm tối đa tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra, vào cảng, góp phần tăng năng suất lao động, giảm đáng kể chi phí về nhân sự ở nhiều bộ phận. Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2018 sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái tăng 17%, trong khi nhân sự bộ phận thủ tục giảm 43%, bộ phận thu ngân giảm 36%...
Lệnh giao hàng điện tử (eDO)
Một trong những đột phá trong việc triển khai dự án cảng điện tử của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chính là việc áp dụng Lệnh giao hàng điện tử tại cảng. EDO thay thế lệnh giao hàng thông thường bằng phương cách truyền nhận dữ liệu điện tử. Giao tiếp này là một phần của tổng số các giao tiếp điện tử khác liên quan đến container. Các thông điệp được Tổ chức UNECE xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý đa phương thức các container bằng cách hợp lý hóa việc trao đổi thông tin.
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing TCT Tân Cảng Sài Gòn
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing SNP nhận định, Lệnh giao hàng điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chi phí chung cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh cảng, là tiền đề xây dựng cảng Cát Lái thành cảng số, hiện đại. Và thực tế, ngày càng nhiều khách hàng hài lòng khi áp dụng eDo tại cảng bởi các tiện ích như: tiết kiệm chi phí, việc truyền/nhận dữ liệu chính xác, an toàn và đặc biệt là giảm được sự tiếp xúc trực tiếp - yếu tố quan trọng để phòng chống dịch COVID-19.
Được biết, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã áp dụng hệ thống ePort/ eDO tại cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), cảng Tân Cảng Cát Lái, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước và cụm cảng Cái Mép (TCTT, TCIT).
Chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp
Thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai thành công hệ thống giám sát an ninh cảng biển trên nền tảng công nghệ. Hệ thống này tích hợp các cổng kiểm soát, camera giám sát, bản đồ số giúp kiểm soát toàn bộ địa bàn trong và ngoài cảng; ứng dụng công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo trong phân tích sự cố cháy nổ, tình trạng mất an ninh trật tự thông qua hình ảnh và cảnh báo tự động đến Trung tâm an ninh cảng, giúp cho hoạt động giám sát được chủ động, kịp thời.
Toàn hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có hàng chục công ty thành viên trải dài từ Nam ra Bắc với 8.600 cán bộ nhân viên thuộc Tổng Công ty cùng trên 10.000 nhân viên các đơn vị vệ tinh. Việc chuyển đổi số giúp công tác quản lý nhân sự, quản lý công việc và hồ sơ giấy tờ được thuận lợi, chính xác hơn. Hiện nay, Tổng Công ty đang áp dụng chữ ký số và các quy trình luân chuyển văn bản, quản lý công việc trên hệ thống văn phòng điện tử cho cả phiên bản Website và Mobile. Việc này giúp nâng hiệu quả trong việc phê duyệt hồ sơ, quản lý, điều hành; tiết kiệm thời gian; tiết kiệm các chi phí liên quan như in ấn, văn bản giấy tờ.
Ngoài ra, Tân Cảng Sài Gòn đang sở hữu một lượng dữ liệu đồ sộ có thể khai thác thông qua các báo cáo thông minh. Hệ thống phân tích, tổng hợp thông tin và đưa ra các dự báo về thị phần, sản lượng, xu thế xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như phân tích tập quán, chu kỳ của các loại mặt hàng, ngành hàng theo thời gian giúp người dùng có đủ dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh cũng như hoạch định các chính sách khách hàng, hợp đồng kinh tế nhanh chóng và hiệu quả.
Hệ sinh thái số sẽ giúp loại bỏ tập quán giao dịch thủ công truyền thống giữa các bên, điện tử hóa các quy trình, phù hợp với xu thế kinh tế chia sẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Không dừng lại ở một vài đề án chuyển đổi số áp dụng ở từng khu vực riêng lẻ, trên nền tảng công nghệ số đã xây dựng thành công trong thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đang từng bước hoàn thiện, hướng đến Hệ sinh thái số eSNP. Hệ sinh thái này là một hệ thống điện tử trung gian giúp kết nối hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Cảng biển nhằm đơn giản hóa, chuẩn hóa và tăng tốc trong việc trao đổi thông tin giữa các bên, tăng hiệu quả tương tác với các cơ quan hải quan, hàng hải và cảng vụ, từ đó tăng cường kiểm soát, tối ưu quản lý và tự động hóa các quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí trong các hoạt động khai thác cảng và logistics.
Ông Trương Tấn Lộc nhấn mạnh: “Việc xây dựng hệ sinh thái số sẽ giúp loại bỏ tập quán giao dịch thủ công truyền thống giữa các bên, điện tử hóa các quy trình, phù hợp với xu thế kinh tế chia sẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Được biết, ngoài Hệ sinh thái số eSNP, Tân Cảng Sài Gòn cũng đang nghiên cứu 2 đề án lớn gồm: Nghiên cứu ứng dụng IoT trong giám sát nhiệt độ container lạnh; và từng bước nghiên cứu triển khai tự động hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất của Cảng.
Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
(SNP)