Ứng dụng công nghệ giải quyết bài toán dồn ứ hàng hóa tại cảng biển
Lượng container nhập khẩu ngày càng tăng
Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nhờ khả năng phòng, chống dịch bệnh tốt nên nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng trên đà phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. |
Sự phát triển của xuất nhập khẩu làm cho lượng vận tải bằng container tăng đều đặn. Theo bà Trần Thị Hồng Lan, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC): Từ năm 2011-2019, tỷ lệ tăng lượng vận tải hàng hóa bằng container đạt khoảng 12%/năm. Năm 2020, lượng vận tải container của Việt Nam ước đạt 17 triệu TEU, trong đó, lượng container nhập khẩu khoảng 4 triệu TEU, tập trung phần lớn tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Hiệp hội Cảng biển Việt Nam dự báo lượng vận tải container năm 2030 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020.
Với sự phát triển của vận tải hàng hóa bằng container đã kéo theo nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế lành mạnh của Việt Nam. Các hành vi thương mại bất chính như nhập lậu, khai báo sai, giả mạo nguồn gốc xuất xứ tăng lên dẫn đến tổn thất to lớn cho nguồn thu quốc gia. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, quy mô nhập lậu các mặt hàng trái phép như: Ma túy, hàng buôn lậu, rác thải y tế... bị trộn lẫn vào container ni lông phế liệu ngày càng lớn và khó phát hiện. Để phát hiện các mặt hàng trái phép này cần nhiều thời gian và nhân công mở container bằng tay để kiểm tra, dẫn đến tắc nghẽn tại cảng và gây tổn thất lớn cho chủ hàng hóa.
Ứng dụng công nghệ hiện đại hóa hải quan
Năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách liên quan đến logistics để một mặt vẫn bảo đảm vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; mặt khác định hình các hướng đi mới, thậm chí mang tính bứt phá cho ngành logistics Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Bà Trần Thị Hồng Lan đánh giá: Các thách thức từ dịch Covid-19 đang thúc đẩy quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics (vận chuyển, dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải...) và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Các tác nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị sẽ ưu tiên nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách đầu tư vào công nghệ. Một số cảng biển tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ và triển khai hệ thống “cảng thông minh” ePort, eDo nhằm tối ưu quá trình điều hành, sắp xếp, bốc dỡ hàng tại cảng, giúp tăng năng suất của cảng. Tuy nhiên, việc kiểm tra và thông quan vẫn đang tiến hành thủ công, dẫn đến tình trạng dồn ứ hàng hóa tại các cảng biển.
Giải pháp của các cảng biển lớn trên thế giới là sử dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra tự động nhiều container trong thời gian ngắn, với chi phí hợp lý để phát hiện hàng nhập lậu và giải tỏa tắc nghẽn hàng hóa; trong khi đó vẫn bảo đảm về an ninh cảng và có hệ thống lưu trữ dữ liệu để truy xuất nguồn gốc. Mới đây, tại diễn đàn chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế VCIC Connect với chủ đề “Hải quan thông minh và các giải pháp hiện đại hóa cảng”, các chuyên gia đề xuất lắp đặt máy kiểm tra container của Công ty TNHH UNISCAN (Hàn Quốc) sử dụng công nghệ giải mã hình ảnh tự động và công nghệ phân biệt vật chất tự động sử dụng tia phóng xạ phức hợp giúp giải quyết bài toán dồn ứ hàng hóa tại cảng biển. Tại diễn đàn, Ban Quản lý dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH UNISCAN để giúp đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ ngành hải quan.
Bài và ảnh: La Duy, Thùy Dung
Theo Quân đội nhân dân