Xuất khẩu vượt "bão" trụ vững cho nền kinh tế
Vào cuối tháng 9, có lẽ người lạc quan nhất cũng không thể hình dung kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành dệt may có thể về đích 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020; tăng 0,3% so với năm 2019-khi chưa có dịch Covid-19. Hồ hởi trước kết quả của ngành dệt may năm 2021, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để đến vạch đích này, toàn ngành đã trải qua nhiều cung bậc trạng thái. Doanh nghiệp (DN) hết đóng lại mở vì dịch Covid-19 và chỉ khi Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành thì sản xuất của DN mới bắt đầu hồi phục.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Ảnh: vov.vn |
Không chỉ dệt may, nhiều ngành XK chủ lực của Việt Nam cũng đã vượt sóng gió ngoạn mục, đóng góp đáng kể vào thành quả KNXK lần đầu tiên vượt mốc 300 tỷ USD. Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cán đích 668,5 tỷ USD; tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, KNXK hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt KNXK hơn 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng KNXK (có 8 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Thêm điểm sáng trong bức tranh XK là KNXK hàng hóa của nước ta sang các thị trường lớn đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, điển hình là thị trường ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu... Một tín hiệu khác cho thấy hoạt động XK của Việt Nam có cú lội ngược dòng ngoạn mục đó là đã giành lại được vị thế xuất siêu sau nhiều tháng liên tục nhập siêu ở mức cao.
Thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng XK hàng hóa nhanh, xuất siêu bền vững, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, mấu chốt là cần chuyển từ tăng trưởng XK về lượng sang chất. Để đạt được mục tiêu này, cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường XK, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.
Việt Nam đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Để tận dụng được lợi thế từ các FTA, quan trọng là các DN phải tự đổi mới chính mình, thay đổi tư duy kinh doanh trước bối cảnh mới, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường.
" Theo qdnd.vn "