CEO Pizza Home kể về ngày đầu khởi nghiệp: Bố mẹ nói 'chắc chắn' thua lỗ, giấu cả sổ đỏ đi vì sợ con trai làm liều
Đối với những người mới bắt tay khởi nghiệp, ai cũng từng gặp phải những khó khăn như thiếu vốn, thiếu mối quan hệ, thiếu kỹ năng, thiếu nhân lực... Tất cả những điều này cùng nhau hợp lại tạo nên một con dốc cao ngất mở đầu cho cuộc đua marathon dài kỳ.
Trong chương trình WeTALK số thứ 2 với chủ đề 'Khởi nghiệp nhưng đừng sạt nghiệp' do CafeBiz tổ chức, 3 vị diễn giả đại diện cho những thế hệ khởi nghiệp khác nhau của Việt Nam đã được mời đến để kể về những khó khăn trên chặng đường khởi nghiệp của họ: Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, anh Hùng Đinh - CEO DesignBold và anh Hoàng Tùng - Founder Pizza Home & Co-Founder Mopi.
Nếu như Shark Phú và CEO Hùng Đinh đều kể về những trở ngại rất quen thuộc và mang tính khách quan như vốn, nhân lực, thị trường...thì anh Hoàng Tùng lại nhắc đến những khó khăn mang tính chủ quan từ chính phía các nhà sáng lập startup.
Đó là bệnh ảo tưởng về sản phẩm của mình và những rào cản tâm lý vì phải nghe quá nhiều những lời ngăn cản "không làm được đâu" từ chính phía người thân, bạn bè.
Trong vài phút ngắn ngủi, câu chuyện lập nghiệp thời điểm ban đầu của nhà sáng lập của chuỗi Pizza Home có thể khiến nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thấy mình ở ngay trong đó.
Bố mẹ nói 'mày chắc chắn thua lỗ', giấu cả sổ đỏ vì sợ con trai làm liểu
Với nhiều người, khi quyết định chuyển từ một công việc '8 tiếng mỗi ngày' sang khởi nghiệp, cản trở lớn nhất không phải đến từ tiền bạc, năng lực mà đến từ sức ỳ của bản thân. Sự thật là ai không phải cũng đủ dũng cảm để thay đổi nếp sống lương ổn định, an toàn sang việc một công việc vất vả, không có lương, mà tương lai còn mù mịt.
Đối với anh Hoàng Tùng, điều này cũng xảy ra khi trong mắt bố mẹ anh, người con trai 'mặc áo cổ cồn, sáng đi chiều về, lương cao' bỗng nhiên biến thành 'đầu tóc bù xù, đi sớm về khuya, mà tiền thì chẳng thấy đâu'.
"Trước đó, mình làm công ty liên doanh. Thấy ông con mặc sơ mi cổ cồn, sáng đi chiều về, lương cao, bố mẹ mình rất thích. Sau đó, tự nhiên mình bỏ đùng một cái, ăn mặc bắt đầu luộm thuộm, đầu tóc bù xù, đi đi về về, đêm hôm mới lọ mọ về, mà tiền chả thấy đâu, trước còn đưa tiền cho bố mẹ, giờ chả thấy đưa đồng nào" - Anh Tùng nói.
"Mày làm cái này kiểu gì mày cũng chết, cũng thua lỗ cho mà xem... Bố mẹ mình lại còn giấu sổ đỏ đi vì sợ mình đặt sổ đỏ nữa"
Sự thay đổi bất ngờ chuyển sang khởi nghiệp riêng của anh kể từ đó nhận được những cái nhìn hoài nghi từ chính những người thân, bạn bè. Theo anh Tùng, bố mẹ không hề ủng hộ anh làm kinh doanh. Anh nói vui rằng, bố mẹ còn giấu cả sổ đỏ của nhà đi vì sợ con trai mình làm liều để lấy vốn.
"Bố mẹ mình không ủng bộ. Bố mẹ mình còn nói: "Mày làm cái này kiểu gì mày cũng chết, cũng thua lỗ cho mà xem... Bố mẹ mình lại còn giấu sổ đỏ đi vì sợ mình đặt sổ đỏ nữa", ông chủ Pizza Home nhớ lại.
Sự thất bại đã đến sau những lời ngăn cản đó càng khiến cho mặc cảm tâm lý của anh càng lớn. Đó không chỉ là mặc cảm vì mất tiền, đó còn là mặc cảm rằng mình không thể đứng lên sau thất bại, hay 'khởi nghiệp không phải dành cho mình'.
"Sau một thời gian làm riêng thì đúng là chết thật. Khi đó, mọi người nói: "Đã nói rồi mà lại, chỉ có 'đứt' thôi. Phải nói rằng, vượt qua mặc cảm đó rất là mệt, không chỉ mất tiền rồi nhưng những cái đó cũng ám ảnh rằng mình đúng là không có khả năng, mình làm rồi sẽ thất bại" - Anh Hoàng Tùng bộc bạch từ tâm sự của người khởi nghiệp.
Căn bệnh của người khởi nghiệp trẻ: Bị 'ngáo' về sản phẩm của mình
Vượt qua rào cản tâm lý, nhà sáng lập Pizza Home và Mopi nhắc đến một căn bệnh anh từng gặp phải và cho rằng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiện tại cũng đang mắc phải, đó là quá đề cao sản phẩm của mình.
"Mình cũng tham gia nhiều các dự án startup thì mình thấy các bạn cũng vấp phải một vấn đề mà ban đầu mình vấp phải rất nhiều, đấy là bị ảo tưởng về sản phẩm của mình. Bây giờ mọi người hay gọi là bị 'ngáo' về sản phẩm của mình" - Hoàng Tùng nói.
Bị 'ngáo' về sản phẩm của mình, hay chính là ảo tưởng rằng sản phẩm của mình khi ra mắt sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Anh
Tùng giải thích ngắn gọn về căn bệnh này: "Anh em sáng lập viên rất hay nghĩ rằng sản phẩm của mình là một cái gì đó thật là tuyệt vời, rất là đặc biệt, nghĩ rằng khi làm ra thì ở bên ngoài, người ta sẽ tranh nhau để mua. Lý do là vì tình yêu mù quáng với sản phẩm".
Nghĩ rằng "wow, cái này mà mang ra thị trường bán thì khách hàng sẽ đến ùn ùn". Nhưng rút cục tung ra chả có ai mua cả...
Đối với những làm kinh doanh, bài học sản phẩm ra mắt nhưng không đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dung lượng thị trường không đủ lớn để tiêu thụ đã là muôn thuở.
Đối với anh Tùng, bài học này đã để lại cho công ty anh cảnh 'tiền hàng ngày tiêu đi, rút cục thì hết sạch vốn': "Hồi đầu mình làm cũng như thế, những cái mình làm hoặc tham gia đầu tư đều nghĩ rằng "wow, cái này mà mang ra thị trường bán thì khách hàng sẽ đến ùn ùn, anh em tha hồ mà thu tiền".
Nhưng rút cục tung ra chả có ai mua cả. Doanh thu thu được rất ít, tiền hằng ngày tiêu đi, một thời gian sau thì tách vốn, bay hết tiền" .
Đồng cảm với những gì nhà sáng lập Pizza Home nói, CEO DesignBold Hùng Đinh cũng cho rằng khởi nghiệp đồng nghĩa với tạo ra những thứ mới mẻ. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng những thứ mới mẻ ở một nơi thì đều có thể tìm ra một thứ tương tự ở một nơi khác trên thế giới với đẩy đủ chức năng rồi.
(Theo soha.vn)