"Điểm tựa" của đồng bào tây nam Quảng Bình
Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 79, Binh đoàn 15 được thành lập ngày 15-10-2005, tại xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum). Tháng 8-2009, đơn vị chuyển về huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để thực hiện Dự án KT-QP. 12 năm đóng quân trên “vùng đất khó”, đơn vị luôn là “điểm tựa” cho cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 hướng dẫn đồng bào kỹ thuật khai thác mủ cao su. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
Tạo sinh kế cho đồng bào
Gia đình anh Hồ Văn No, người dân tộc Vân Kiều, ở bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) là một trong 10 gia đình được Đoàn KT-QP 79 nhận vào làm công nhân và hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Anh No kể: “Trước đây, vợ chồng tôi và nhiều gia đình khác làm lụng quanh năm mà vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng không ai nghĩ ra được cách gì khác để làm no cái bụng. Mọi người đều cho rằng “ở trên đất khó thì đói khổ là đúng thôi, làm sao khác được”. Thế rồi “bộ đội bảy chín” về khai thông cách nghĩ, tháo gỡ cái khó, bày vẽ cách làm cho bà con; nhiều người không chỉ được nhận vào làm công nhân có thu nhập ổn định mà còn được đơn vị cử cán bộ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn, cây giống, con giống để phát triển kinh tế. Nhờ thế mà người Vân Kiều nói riêng và bà con bản Khe Giữa nói chung đã no cái bụng, yên lòng theo Đảng, theo bộ đội xây dựng cuộc sống mới.
Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Hồ Văn No đưa chúng tôi đi xem chuồng trại, vườn cây của gia đình. Ngoài nhận chăm sóc, khai thác 6ha cao su kinh doanh và 7ha cao su kiến thiết cơ bản, năm 2013, vợ chồng anh còn được Đoàn KT-QP 79 tặng 1 con bò giống sinh sản, giờ đàn bò đã lên đến 8 con. Cùng với đàn gia cầm hơn 50 con và 1ha vườn trồng các loại rau, cây ăn quả. Trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập bình quân hằng tháng của gia đình anh No vẫn đạt trên 13 triệu đồng (gồm tiền lương và tăng gia, chăn nuôi).
Chiều muộn, chị Nguyễn Thị Xuân vợ anh Hồ Văn No đón các cháu đi học về và đon đả mời chúng tôi ở lại dùng cơm, chị “dụ dỗ” còn nhiều chuyện về “bộ đội bảy chín” muốn kể lắm. Biết chúng tôi không ở lại, chị chạy vội ra vườn hái rau, củ quả để gửi tặng mọi người. “Nhờ bộ đội hướng dẫn nên vợ chồng em mới biết tăng gia, chăn nuôi. Ngôi nhà này cũng được đơn vị hỗ trợ tiền, ngày công xây dựng, các con được đến trường theo đúng độ tuổi. Bộ đội Cụ Hồ đã mang đến cho vợ chồng em và dân bản cuộc sống mới, no ấm, yên vui, tiến bộ”, chị Xuân chia vui với chúng tôi.
Giúp dân cũng là giúp mình
Còn rất nhiều hộ gia đình được Đoàn KT-QP 79 hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững thông qua các mô hình: “Trồng dứa nguyên liệu”, “Nuôi bò sinh sản”, khai hoang phát triển cây cao su với phương châm "Nuôi rừng để rừng nuôi"... mà chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu, khảo sát. Thế nhưng, theo cán bộ địa phương thì danh sách này ngày càng dài thêm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy hồ hởi: “Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tình cảm trong sáng dành cho nhân dân, Đoàn KT-QP 79 đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình thủy điện, đường giao thông, trường học, trạm xá phục vụ sản xuất và dân sinh. Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Xây dựng các cụm, điểm dân cư và tuyên truyền, vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, không vi phạm tệ nạn xã hội, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng “thôn, bản, làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Đây là cơ sở, tiền đề để Đảng ủy xã Ngân Thủy đặt mục tiêu và quyết tâm về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020-2025”.
Ông Hùng xúc động nhớ lại đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều địa phương của huyện Lệ Thủy bị cô lập và thiệt hại nặng nề. Khi đó, Đoàn KT-QP 79 là “điểm tựa” cho chính quyền và nhân dân, triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau mưa lũ với hàng nghìn ngày công của bộ đội. Đơn vị cũng tổ chức nấu, cấp phát miễn phí hơn 1.200 suất cơm, trị giá 45 triệu đồng cho nhân dân. Phối hợp với các lực lượng, hội nhóm từ thiện, mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con dân tộc Vân Kiều ở 3 xã: Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy), tổng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng và xây dựng hai nhà “Thương lắm Miền Trung” tặng người dân bị thiệt hại do mưa lũ.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thành Chung, Chính ủy Đoàn KT-QP 79 về những thay đổi, niềm vui, sự tin tưởng của nhân dân dành cho đơn vị, anh Chung khẳng định: “Đó chỉ là thành công bước đầu. Với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tây nam Quảng Bình thì Đoàn KT-QP 79 còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa quan điểm “Trọng dân, gần dân, giúp dân tức là giúp mình”. Vì dân có giàu, có bình yên, hạnh phúc thì an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội mới được bảo đảm và đơn vị mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nguồn: http://ckt.gov.vn/