Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?
Trong những năm vừa qua, quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc có rất nhiều thay đổi.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam) cho biết: Để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy trình kiểm soát, và những tiêu chuẩn để mở cửa thị trường, cũng như các thông báo SPS”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và các Hiệp định song phương với Trung Quốc, nhằm đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường này. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi SPS, trong đó có 4 thông báo sửa đổi.
Quang cảnh buổi diễn đàn. Ảnh chụp màn hình |
Tại diễn đàn, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục bảo vệ thực vật cho biết, phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch, cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
"Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu”, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình, TS Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đến nay Trung quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thủy sản, 20 cơ sở xuất khẩu thủy sản sống (tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cua) Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỷ dân; 48 loài thủy sản và 128 loại sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu vào nước này.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu, vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thủy sản: Từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ kiểm tra, bổ sung danh sách doanh nghiệp rất chậm. Ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng chậm bổ sung danh sách doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam để đảm bảo tính công bằng.
Tuy nhiên, ông Lê Bá Anh nhấn mạnh: “Số lô hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thủy sản”.
“Hiện nay Cục Quản lý chất lượng nông, thủy sản (Bộ NN-PTNT) đang đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đăng ký bổ sung đến thời điểm hiện nay vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248”, ông Lê Bá Anh thông tin thêm.
" Theo qdnd.vn "