Doanh nghiệp quân đội vững vàng vượt khó
Xung kích ở những công trình lớn
Đã qua những tháng mùa khô, công trường dự án đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn (thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tục đón những trận mưa xối xả. Nước sông dâng cao, tuyến đường công vụ dẫn vào mặt bằng thi công bị ngập nhiều nơi. Đối với Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong những nhà thầu chính của dự án, công tác phòng, chống lụt bão cho công trường đã được chuẩn bị kỹ. Khu vực lán trại của công nhân, máy móc thiết bị được bảo đảm an toàn. Thời gian trước đó, tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, các đơn vị của Binh đoàn 12 đã khẩn trương dồn lực thi công. "Các hạng mục đã hoàn thành đều được thực hiện đồng bộ từ thoát nước đến nền, mặt nên kể cả khi mưa lớn, nước sẽ thoát nhanh, bảo đảm chất lượng công trình", Thượng tá Đinh Tiến Hiệp, Giám đốc Ban Trường Sơn miền Trung (Binh đoàn 12) cho biết. Theo kế hoạch, gói thầu do Binh đoàn 12 đảm nhiệm sẽ hoàn thành vào tháng 9-2021, đến nay đã thi công đạt 70% khối lượng. "Nếu không gặp thời tiết xấu, lũ lụt thì đường vào công trường tương đối thuận lợi. Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho giai đoạn thi công tiếp theo. Với khối lượng công việc đã hoàn thành, có thể khẳng định Binh đoàn 12 sẽ bảo đảm tiến độ công trình", Thượng tá Đinh Tiến Hiệp bày tỏ.
Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công dự án Cam Lộ-La Sơn thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Không chỉ tập trung nguồn lực cho công tác thi công, các đơn vị của Binh đoàn 12 thực hiện nhiệm vụ trên công trường cũng luôn xây dựng được mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với chính quyền và nhân dân địa phương. Các đơn vị của binh đoàn thường xuyên có hoạt động hỗ trợ địa phương như làm đường, chỉnh trang nhà cửa giúp nhân dân... Như chia sẻ của Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, bảo đảm tính kỷ luật cao trên công trường và làm tốt công tác dân vận, quan tâm, chăm lo hoạt động xã hội là những nét văn hóa đặc trưng của DNQĐ. Khi Binh đoàn 12 tham gia thi công các công trình đều được chủ đầu tư, chính quyền, người dân tin tưởng. Có những việc khó như công tác giải phóng mặt bằng nhưng nhờ vào tình quân dân gắn bó keo sơn nên người dân sẵn sàng di dời nhà cửa để đơn vị kịp thời bắt tay vào công việc, từ đó, giúp bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Hiện nay, nhiều DNQĐ hoạt động trong lĩnh vực xây lắp như Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 11-Tổng công ty Thành An, Tổng công ty 319, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô... đều là những nhà thầu uy tín, đảm nhiệm công trình quy mô lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Đối với Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) khi thi công hai gói thầu lớn là đường dây 220KV từ Kiên Bình ra Phú Quốc (Kiên Giang) gồm 88 trụ móng với tổng chiều dài 40km hoàn toàn trên biển, hay thi công đê chắn sóng Cảng Chân Mây (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), khu vực nước sâu, điều kiện thi công hết sức khó khăn... nhưng tổng công ty đều hoàn thành và vượt tiến độ. Theo Đại tá Tăng Văn Chi, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, tinh thần nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, bám công trường bất kể ngày đêm để tranh thủ thời tiết thuận lợi thi công đã giúp những người lính thợ Lũng Lô luôn hoàn thành nhiệm vụ ở bất cứ nơi đâu.
Tổng công ty 319 vừa qua là một trong các đơn vị tham gia liên danh được giao thi công gói thầu quan trọng của dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam. Đại tá Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319 khẳng định, đơn vị huy động nhân lực, thiết bị tốt nhất, tổ chức thi công đúng phương án kỹ thuật, tuân thủ quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình...
Thành công từ chuyển đổi số
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như không ít doanh nghiệp trong nước lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) vẫn có sự phát triển ấn tượng. Đơn cử như Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) trong nửa đầu năm 2020 có doanh thu thuần đạt 6.797 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế ở mức 200 tỷ đồng, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Theo nhận định của Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng, việc áp dụng công nghệ, số hóa các quy trình trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên con đường chuyển đổi số có thể coi là nguyên nhân chính giúp cho Viettel Post đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngay từ năm 2019, Viettel Post cho ra mắt hàng loạt sản phẩm công nghệ hướng đến khách hàng, tạo nên dấu ấn về một công ty công nghệ trên thị trường chuyển phát tại Việt Nam. Có thể kể đến như: Nền tảng vận tải đa phương thức MyGo, nền tảng thương mại điện tử Vỏ sò, phần mềm quản lý bán hàng đa kênh hợp nhất ViettelSale. Từ một công ty bưu chính truyền thống, Viettel Post đã đưa vào vận hành băng chuyền chia chọn tự động có công suất lớn nhất Việt Nam.
Quyết tâm của cán bộ, nhân viên Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô khi thi công các trụ móng trên biển thuộc đường dây 220KV từ Kiên Bình ra Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: HOÀNG GIA MINH. |
Trong thời gian tới, để giữ vững tốc độ tăng trưởng, đồng thời tăng tốc chuyển đổi số, Viettel Post đang tập trung vào các giải pháp cải tiến sản phẩm dịch vụ, hướng đến giải quyết vấn đề của khách hàng thông qua việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Bưu chính Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong đồng hành cùng Chính phủ đưa các sản phẩm số "Make in Việt Nam" đến gần hơn với người tiêu dùng, từng bước chuyển đổi trở thành công ty logistics công nghệ cao số 1 tại Việt Nam.
Nỗ lực vượt khó
Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế đã khiến doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức, trong đó, DNQĐ cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Đại tá Đào Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng), cho biết, Cục Tài chính đã chủ động tham mưu, báo cáo Bộ Quốc phòng chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý tài chính; thực hiện tốt các nội dung về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, gia hạn thời gian hoàn trả vốn ứng sản xuất sản phẩm quốc phòng, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất năm 2020...
Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, nên mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch nhưng các DNQĐ về cơ bản vẫn đạt được các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, doanh thu của các DNQĐ đạt 115.454 tỷ đồng, đạt 42,2% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 22.047 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch năm; thu nộp ngân sách đạt 25.342 tỷ đồng, đạt 54,1% kế hoạch năm. Việc làm và thu nhập của người lao động cơ bản được bảo đảm, nhiều doanh nghiệp đạt mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm có 20/80 DNQĐ có kết quả doanh thu và lợi nhuận đạt hơn 50% kế hoạch năm. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty 319, Tổng công ty Hợp tác kinh tế...
Hiện Bộ Quốc phòng đã giao các cơ quan chức năng đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DNQĐ để có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Với sự hỗ trợ đó, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động, các DNQĐ sẽ tiếp tục vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.
" Theo qdnd.vn "