Giải pháp để doanh nghiệp vận hành không gián đoạn
Thực tế cho thấy, bằng cách ứng dụng các nền tảng công nghệ số Make in Vietnam trong quản trị, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động vận hành, hạn chế những tác động của dịch bệnh. Đây là thời điểm khó khăn song cũng là động lực để doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp, từ đó nhanh chóng thích ứng với những biến động của thị trường.
Công nghệ số là đầu tư, không phải khoản chi phí
“Bắt đầu từ 8 giờ sáng, chúng tôi sẽ dùng điện thoại hoặc máy tính mở nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn để chấm công tại nhà và truy cập vào các ứng dụng trên nền tảng cập nhật những thông báo triển khai công việc, kế hoạch cần giải quyết trong ngày. Kết thúc ngày làm việc, chúng tôi check-out (xác nhận rời khỏi) trên nền tảng”, đây là những chia sẻ từ anh Nguyễn Bằng, quản lý nhân sự Công ty TNHH Tập đoàn 365 Group về một ngày làm việc từ xa của công ty anh. Theo anh Bằng, nhờ số hóa quy trình vận hành, công việc của 365 Group vẫn diễn ra đúng tiến độ dù đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions-Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội) là doanh nghiệp làm chủ được nhiều giải pháp công nghệ số giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành. |
Cũng trong những ngày này, thông qua các ứng dụng trên nền tảng Base.vn, 365 Group dễ dàng thống kê danh sách người lao động gửi tới các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh để đăng ký tiêm chủng và nhận hỗ trợ trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Anh Nguyễn Bằng bày tỏ: “Nếu như không áp dụng phần mềm này, chúng tôi có thể mất đến hai tiếng đồng hồ để lọc thông tin người lao động; nhưng với các trường thông tin về nhân viên sẵn có trên nền tảng, chúng tôi chỉ mất khoảng 30 phút là có dữ liệu theo đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước quy định”.
Công ty TNHH Dịch vụ kế toán và Đại lý thuế BTL là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán, thuế tại TP Hồ Chí Minh. Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc công ty cho biết: “Trong những ngày giãn cách bởi dịch bệnh, các chuyên viên của chúng tôi vẫn tác nghiệp tại nhà trên nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP do Công ty Cổ phần MISA phát triển. Việc số hóa toàn bộ quy trình từ thao tác nghiệp vụ kế toán, thuế cho tới quy trình quản lý công việc giúp các hoạt động cung cấp dịch vụ tới khách hàng được duy trì. Thông qua nền tảng này, khách hàng của BTL có thể trực tiếp theo dõi các báo cáo thuế, kế toán, công nợ. Đồng thời có thể gửi hóa đơn, chứng từ tới chúng tôi, bởi việc lưu trữ dữ liệu hoàn toàn trên nền tảng nên không lo bị gián đoạn bởi dịch bệnh”.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cho rằng ứng dụng các giải pháp số là không quá cấp thiết. Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp thường băn khoăn nên đầu tư vào con người hay công nghệ để đạt hiệu quả hơn. Thực tế, họ thường chọn con người vì đem lại hiệu quả nhanh chóng trong khi công nghệ cần sự hiểu biết và kiên nhẫn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vai trò của công nghệ đã thể hiện rõ nét.
Dẫu vậy, việc đầu tư nguồn kinh phí cho các giải pháp số, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là rất khó với các doanh nghiệp. Trước những đắn đo liên quan tới chi phí, anh Nguyễn Bằng chia sẻ kinh nghiệm của 365 Group: "Khi đầu tư phần mềm, ứng dụng công nghệ một cách chuyên nghiệp và có tính đồng nhất, chúng tôi phải cân nhắc, tính toán hiệu suất và lợi ích sau một thời gian dùng thử phần mềm. Hiện tại, chi phí áp dụng công nghệ số chúng tôi xem như thuê vài nhân viên làm việc. Thay vì tuyển con người, chúng tôi “tuyển” phần mềm, máy móc. Triển khai công nghệ không nên đặt áp lực về vấn đề chi phí mà cần quan tâm rằng áp dụng công nghệ đem lại giá trị như thế nào cho doanh nghiệp, thay đổi hiệu suất ra sao".
Công nghệ số là công cụ thực hiện chuyển đổi số
Trong bối cảnh công nghệ thông tin đổi mới từng ngày và dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) được xem là xu hướng tất yếu với doanh nghiệp. Thực hiện CĐS là thay đổi quy trình làm việc, mô hình hoạt động để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách thức mới. Các nền tảng công nghệ số chính là công cụ để doanh nghiệp thực hiện điều đó.
Trên thị trường hiện có nhiều nền tảng số nước ngoài vốn đã phát triển rất mạnh với công nghệ cao. Nhưng về dài hạn, ứng dụng các nền tảng số Make in Vietnam là hết sức cần thiết, bởi doanh nghiệp Việt Nam có những nhu cầu mà chỉ riêng chúng ta mới có, không giống với các quốc gia khác. Được nghiên cứu, sản xuất bởi các công ty công nghệ trong nước, các nền tảng số Make in Vietnam sẽ giải quyết được những vấn đề dành riêng cho thị trường nội địa.
Trước những quan ngại về việc sản phẩm số Việt Nam đi sau thế giới về mặt công nghệ, Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử (Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Thùy Ngân nhận định, Việt Nam có thuận lợi là nhiều doanh nghiệp công nghệ số (hiện là gần 60.000, chiến lược Make in Vietnam đặt mục tiêu đến năm 2025 là 100.000 doanh nghiệp công nghệ số). Việt Nam tuy đi sau thế giới về mặt công nghệ nhưng chúng ta sẽ sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam.
Đồng sáng lập và giám đốc khu vực phía Nam của Công ty Cổ phần Base Enterprise Trần Văn Viển cũng nêu ý kiến, CĐS là quá trình dài hơi và nhiều giai đoạn. Trong đó, số hóa quy trình nghiệp vụ là giai đoạn đầu tiên và được thực hiện thông qua các nền tảng công nghệ số.
Lưu ý một số sai lầm mà doanh nghiệp thường mắc phải khi áp dụng giải pháp số, ông Trần Văn Viển chỉ rõ: “Thứ nhất, thị trường phần mềm hiện nay rất đa dạng, nhìn bên ngoài chúng đều có các tính năng tương tự nhau, điều này khiến doanh nghiệp dễ sa vào bẫy chọn công cụ nào cũng được, miễn là tối ưu chi phí. Thứ hai, doanh nghiệp có thể chọn những phần mềm không thuận tiện tới người dùng cuối mà chỉ phục vụ nhu cầu quản lý của lãnh đạo. Trong khi nhân viên mới là đối tượng sử dụng nhiều nhất để nhập liệu báo cáo. Thứ ba, doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ thường muốn sản phẩm phải tùy chỉnh theo nhu cầu của riêng họ và không muốn cải biến quy trình. Song, tôi cho rằng cần triển khai đồng thời hai yếu tố này bởi chưa chắc quy trình hiện tại đã tối ưu”.
Trước những thách thức nhất định mà doanh nghiệp, đặc biệt là các SME vấp phải trong quá trình tiếp cận công nghệ thực hiện CĐS, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khởi động chương trình SMEdx-hỗ trợ doanh nghiệp SME CĐS thông qua việc sử dụng các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc do chương trình lựa chọn. Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử Mai Thùy Ngân cho biết, hiện đã có 18 đơn vị cung cấp nền tảng số tham gia và 1.800 doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng. Chương trình hiện sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo có thể theo hình thức trực tuyến tới nhiều địa phương để doanh nghiệp SME tại các tỉnh, vốn không có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ số sẽ được trực tiếp trao đổi với các nhà sáng lập nền tảng, các chuyên gia CĐS; từ đó, họ có thể lựa chọn, đăng ký được đúng nền tảng số cần thiết. Ngược lại, các doanh nghiệp công nghệ khi tham gia chương trình dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ có cơ hội tiếp cận được một tập khách hàng mới mà với ngân sách tự có của doanh nghiệp sẽ rất khó và mất nhiều thời gian để tiếp cận được.
Dịch Covid-19 đặt các doanh nghiệp trước những thách thức mới, song cũng tạo nên những cơ hội để doanh nghiệp bước lên không gian số, thay đổi diện mạo, bộ máy vận hành truyền thống. Những nỗ lực triển khai công nghệ sẽ không là uổng phí bởi khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số, dữ liệu số, những quy trình được cải biến sẽ vẫn còn đó. Đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp bắt nhịp với nền kinh tế số.
" Theo qdnd.vn "