Hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương thiếu đổi mới sáng tạo
Thông tin được chuyên gia nêu tại diễn đàn "Tư duy mới và kết cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020" tổ chức sáng 26/11, trong khuôn khổ Techfest 2020.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực đồ mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương. Có hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất.
Tại diễn đàn, có ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành hoặc các doanh nghiệp lớn chưa nhiều, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh. "Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Các startup địa phương có nhu cầu vẫn đang loay hoay tìm kiếm và tiếp cận mentor, chuyên gia để tìm ra giải pháp đổi mới sáng tạo.
Các chuyên gia cho rằng cần thành lập cộng đồng cố vấn giúp startup tại địa phương có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nhà đầu tư, vườn ươm. ‘Sợi dây’ này phải xuyên suốt cả quá trình khởi nghiệp của doanh nghiệp mới giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vượt qua thời gian khó khăn.
Chị Nicole Nguyễn nói về những khoảng cách của nhà cố vấn và startup khởi nghiệp sáng tạo
Tuy nhiên, bà Nicole Nguyễn, CEO của Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global nhấn mạnh, kể cả khi có đội ngũ cố vấn tại địa phương, doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn khó tiếp cận do những "khoảng cách" giữa cố vấn và startup khó lấp đầy. Khoảng cách đó theo bà là kỹ năng giao tiếp, trao đổi nhưng phải đi tới kết quả nhất định, và giá trị chung mà hai bên tạo ra. Startup mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư khi được cố vấn kết nối và ngược lại.
Bà Nicole Nguyễn gợi ý, các doanh nghiệp lớn tại địa phương có thể là lực lượng cố vấn chuyên nghiệp dành cho các startup đổi mới sáng tạo địa phương "bởi lực lượng này có sẵn, dễ dàng huy động, nắm rõ tình hình kinh doanh trong vùng". Đồng thời, ngoài kinh nghiệm kinh doanh và đổi mới, doanh nghiệp lớn tại địa phương có nhiều mối quan hệ về khách hàng, chuỗi cung ứng, "điều này là cơ hội lớn cho startup địa phương nếu thu hút được các cố vấn là doanh nghiệp lớn", bà nói.
Để các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận với đổi mới sáng tạo, ngoài xây dựng đội ngũ cố vấn trực tiếp tại các địa phương, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, cần có luật và cơ chế rõ ràng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. "Bởi hiện nay những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xếp vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có cơ chế cũng như hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp này, trong khi vấn đề đổi mới sáng tạo liên quan tới sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ", ông nói.
" Theo vnexpress.net "