Lãnh đạo qua khủng hoảng: Từ chú trọng kết quả sang nhu cầu cá nhân
Kỹ năng quan trọng nhất trong số 5 kỹ năng lãnh đạo cần thiết để vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 là tìm điểm cân bằng giữa kết quả công việc với nhu cầu cá nhân. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất trong ưu tiên của lãnh đạo giai đoạn trước và sau khi đại dịch xảy ra.
Kết quả này từ cuộc nghiên cứu về kỹ năng lãnh đạo cần thiết để vượt qua khủng hoảng do công ty tư vấn phát triển lãnh đạo Zenger Folkman (Mỹ) thực hiện từ tháng 3 đến tháng 7 vừa qua, với hơn 1.200 lãnh đạo từ nhiều tổ chức trên thế giới. Dữ liệu sau đó được so sánh với dữ liệu gộp trước đại dịch của hơn 110.000 nhà lãnh đạo.
4 kỹ năng lãnh đạo quan trọng còn lại theo Zenger Folkman gồm kỹ năng kết nối nhân viên từ nhiều bộ phận; mang đến nguồn năng lượng và sự nhiệt tình cho nhân viên; giúp nhân viên hiểu được tầm nhìn của tổ chức và nhanh chóng nhận ra những thứ cần thay đổi.
Theo đó, trước đại dịch, mức cân bằng hợp lý trong tư duy lãnh đạo được tổ chức này xác định là 60% chú trọng vào kết quả công việc và 40% vào các nhu cầu cá nhân thì đến nay, tỷ trọng này được đảo ngược thành 40% vào kết quả và 60% vào nhu cầu cá nhân.
“Đại dịch khiến mọi nhân viên trong công ty, tổ chức lo lắng, căng thẳng và cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Họ cần được lãnh đạo quan tâm nhiều hơn. Do đó, ưu tiên quan trọng nhất đối với các lãnh đạo giai đoạn này là tạo ra sự cân bằng giữa kết quả công việc với nhu cầu cá nhân,” TS.Joseph Folkman, nhà đồng sáng lập, chủ tịch Zenger Folkman chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến về phát triển năng lực lãnh đạo do công ty dịch vụ nhân sự Le & Associates tổ chức sáng 24.11.
Với kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, tổng giám đốc Le & Associates nhận định sức chống chọi của nhóm doanh nghiệp này khá yếu khi khủng hoảng xảy ra, vì bị hạn chế cả nguồn lực con người lẫn thị trường. Bà Lệ cho biết số lượng khách hàng của Le & Associates trong tệp doanh nghiệp vừa và nhỏ đã “sự lệch pha”, sụt giảm mạnh trong năm 2020 so với năm 2019.
Nếu như trước đây các doanh nghiệp này năng nổ nâng cấp hệ thống, đào tạo năng lực thì nay có xu hướng “ngủ đông” để giữ lại những nguồn lực cơ hữu nhất, chờ cơ hội bật lên. Không nhiều lãnh đạo công ty vừa và nhỏ cũng như giới startup tận dụng được thời cơ để tăng trưởng.
“Lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ phải đơn độc đối chọi với khủng hoảng, không được nhiều tham vấn như lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Sự bất định của đại dịch cũng ảnh hưởng đến quyết định của họ trong quan hệ lao động và kinh doanh,” theo bà Lệ. “Vì vậy, việc “chạy số”, nhắm vào kết quả kinh doanh nên được điều chỉnh lại để cân bằng được quyền lợi của tất cả các bên trong tổ chức.”
Bích Trâm
Nguồn: Forbesvietnam.com.vn