Một số giải pháp đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự
Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự được ứng dụng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng, đa số được ứng dụng trong thực tiễn, nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất hàng loạt, đưa vào trang bị trong quân đội.
Thông qua triển khai các chương trình, đề án lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu đồng bộ, quy mô lớn, phức tạp, đã làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp VKTBKT công nghệ cao, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu KH&CN trên một số lĩnh vực. Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ đã có bước phát triển. Công nghiệp quốc phòng cơ bản có đủ năng lực để tự chủ từ nghiên cứu đến sản xuất trong nước hầu hết các loại VKTBKT thiết yếu cho lục quân, trang bị thông tin liên lạc, chế tạo một số hệ thống tích hợp, các cụm khối cơ khí, điện tử, vật tư, linh kiện phục vụ cho chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới, bảo đảm kỹ thuật các loại VKTBKT trong biên chế của các quân, binh chủng, ngành.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu được xây dựng, cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và các nước tiên tiến, trưởng thành qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Đã hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu tại các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, có nhiều nhóm nghiên cứu trẻ; xây dựng và hình thành một số cơ sở nghiên cứu mạnh chuyên ngành và đa ngành, bước đầu xây dựng được mô hình doanh nghiệp quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cơ sở vật chất bảo đảm cho nghiên cứu đã từng bước được đầu tư, bổ sung, nâng cao năng lực phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm tra, chế thử và sản xuất loạt. Xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo có trang thiết bị tương đối hiện đại, có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Các phòng thí nghiệm đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ KH&CN, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN và nhà khoa học giải quyết được các nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra hệ thống mô phỏng huấn luyện phi công và kíp chỉ huy bay do Viettel nghiên cứu phát triển (ảnh chụp ngày 1-4-2021). Ảnh: NAM PHÚC. |
Tuy vậy, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: Vẫn ít những sản phẩm KH&CN quy mô lớn, trình độ cao đưa vào ứng dụng và trang bị cho quân đội; cơ chế quản lý và triển khai còn rất nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu...
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặc biệt là các nguy cơ an ninh phi truyền thống, điển hình như dịch Covid-19; chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến, sự xuất hiện của các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới; cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, nhất là chủ quyền biển, đảo còn nhiều khó khăn, phức tạp...
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Xu hướng tình hình, nhất là sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu, lộ trình xây dựng quân đội tiến lên hiện đại đặt ra những yêu cầu rất cao đối với lĩnh vực KH&CN quân sự. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, công tác KH&CN quân sự trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, xác định rõ các chủ trương, định hướng phát triển KH&CN trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và xây dựng quân đội hiện đại từ năm 2030. Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025 tập trung thực hiện tốt việc triển khai và hoàn thành tổng kết các chương trình, đề án KH&CN, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm khác.
Hai là, rà soát thống nhất quy hoạch nhu cầu VKTBKT và các yêu cầu với nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Xác định cụ thể nhu cầu, sản phẩm mua sắm, chuyển giao công nghệ và tự nghiên cứu thiết kế trong nước. Sản phẩm nghiên cứu trong nước phải đảm bảo yêu cầu kỹ, chiến thuật tương đương sản phẩm nhập ngoại, giá thành phải thấp hơn. Không mua các sản phẩm quân đội có khả năng thực hiện, có chỉ tiêu tương đương.
Ba là, kiện toàn lại các tổ chức nghiên cứu KH&CN theo hướng chuyên sâu và gắn với chức năng nhiệm vụ, gắn nghiên cứu với sản xuất. Thực hiện việc giao nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN theo định hướng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, năng lực sở trường. Các học viện, nhà trường hướng về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền; các viện nghiên cứu hướng vào nghiên cứu ứng dụng, gắn với các cơ sở sản xuất quốc phòng.
Bốn là, phối hợp với các đơn vị ngoài quân đội và doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các đơn vị trong quân đội phải nâng cao khả năng hợp tác, tránh tình trạng độc quyền, vì lợi ích riêng của đơn vị; có cơ chế để các đơn vị ngoài quân đội nắm bắt thông tin nhu cầu để hợp tác, tuy nhiên phải bảo đảm yếu tố bảo mật, giao nhiệm vụ có tính phân đoạn, độc lập, hướng vào thế mạnh của các đơn vị bên ngoài.
Năm là, đổi mới cơ chế quản lý và triển khai nhiệm vụ KH&CN, cơ chế chính sách, cơ chế quản lý theo quy định của Nhà nước và phù hợp đặc thù của Bộ Quốc phòng. Có cơ chế đãi ngộ, trọng dụng để huy động, phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao của quân đội và ngoài Nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ KH&CN khó, trọng tâm, trọng điểm. Cho phép cán bộ KH&CN của các đơn vị nghiên cứu tham gia trong đàm phán, tư vấn, thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, dự án cải tiến hiện đại hóa VKTBKT. Đẩy mạnh việc chuyển đổi, thành lập các doanh nghiệp KH&CN tự chủ để đổi mới sáng tạo; trước mắt, kiên quyết thực hiện đối với các đơn vị nghiên cứu có tính lưỡng dụng. Đề xuất quy trình nhằm rút ngắn thời gian đưa vào triển khai các nhiệm vụ KH&CN để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng cơ chế đặc thù trong triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.
Sáu là, nâng cao tiềm lực KH&CN, chú trọng đầu tư tập trung phục vụ cho các hướng nghiên cứu ưu tiên, sản phẩm trọng điểm. Rà soát quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm trong quân đội, tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm theo hướng ưu tiên phục vụ cho nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm mục tiêu. Thực hiện minh bạch việc quản lý tài chính của các phòng thí nghiệm được Nhà nước và Bộ Quốc phòng đầu tư.
Bảy là, tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm. Ưu tiên đầu tư nguồn lực ngân sách đặc biệt cho các chương trình, đề án nghiên cứu vũ khí, trang bị hiện đại cho quân đội; khắc phục tình trạng dàn trải ngân sách. Chú trọng đầu tư cho sản xuất loạt “0” các sản phẩm nghiên cứu để đưa vào trang bị, đặc biệt đối với những sản phẩm nghiên cứu chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn nhập ngoại. Cần có cơ chế đặc thù về tỷ lệ dự phòng để bảo đảm ngân sách hoạt động nghiên cứu.
" Theo qdnd.vn "