Nhiều điểm nhấn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022
Mở ra nhiều cơ hội
Sáng 8-12, Bộ Quốc phòng Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì khai mạc Triển lãm....
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (TCCT QĐND) Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thượng tướng Vũ Hải Sản; Thượng tướng Phạm Hoài Nam. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tham dự lễ khai mạc còn có các đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam: Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Trưởng ban tổ chức Triển lãm; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: báo Quân đội nhân dân)
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng, tăng cường lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, thúc đẩy hợp tác về công nghiệp quốc phòng, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 là một cơ hội rất tốt để các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh gặp gỡ, trao đổi, phát triển hợp tác hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, bên cạnh xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng của những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Do đó, các nước cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia dựa trên công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế. Trong đó, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa các nước có vai trò rất quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ và vì nhân dân. QĐND Việt Nam hiện đang tích cực tham gia các hình thức hợp tác quốc phòng phù hợp cả song phương và đa phương với các nước đối tác trên thế giới. Hợp tác công nghiệp quốc phòng và đặc biệt là Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sẽ mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng an ninh trên thế giới; đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài và sản xuất, trang bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang các nước để phục vụ nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
“Đây là dịp để tất cả chúng ta thắt chặt hơn mối quan hệ và cũng là cơ hội để Việt Nam được chào đón bạn bè quốc tế, chia sẻ văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu về đất nước, con người của Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cần cù, mến khách”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Vì vậy, QĐND Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không chỉ là hợp tác trong mua sắm, chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự mà còn là hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi, tăng cường đoàn kết với Bộ Quốc phòng, quân đội các nước trong khu vực và thế giới vì mục đích hòa bình.
Đa dạng hoá các kênh hợp tác
Triển lãm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; đồng thời quảng bá, tuyên truyền về năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do CNQP Việt Nam sản xuất tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước.
Triển lãm cũng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về CNQP, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài để sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu, nghiên cứu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho Quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Thông qua Triển lãm, các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới sẽ có cơ hội giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm được cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNQP; các đơn vị quốc phòng, an ninh sẽ tiếp cận và tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại trên thế giới phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.
Tại Triển lãm, các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho tất cả lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại triển lãm. (Ảnh: báo Quân đội nhân dân)
Việt Nam sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, bao gồm: Súng, đạn bộ binh; súng, đạn chống tăng; súng, đạn cối; súng, đạn pháo; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ; khí tài quang; sản phẩm tàu; các loại áo giáp, mô hình nghi binh, nghi trang và trang thiết bị hậu cần; hệ thống thông tin liên lạc, radar, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống chỉ huy điều khiển, hệ thống huấn luyện mô phỏng, thiết bị quang điện tử, thiết bị bay không người lái (UAV), hệ thống tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin; vũ khí, trang bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, phương tiện tuần tra, kiểm soát an ninh-trật tự, phòng cháy, chữa cháy, hậu cần phục vụ lực lượng công an.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức bố trí khu vực không gian văn hóa, không gian ẩm thực, khu vực trưng bày “Kinh tế-quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” để trưng bày các mốc son tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử gắn với phát triển kinh tế-xã hội; kết nối với Triển lãm không gian mạng. Trong đó, tiêu biểu là các đoàn giao thương của Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư về dự án năng lượng mặt trời tìm kiếm đối tác Việt Nam về lĩnh vực xây dựng (thi công cọc, nền móng, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời) với Tổng Công ty Thành An/BĐ 11, Công ty CP 32, Công ty CP…
Đoàn giao thương Hàn Quốc (Ảnh: Minh Nguyệt)
Được đánh giá cao
Phái đoàn Mỹ dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế của Việt Nam đánh giá cao trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam, coi triển lãm là bước khởi đầu tốt cho cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc phòng và thương mại quốc phòng giữa hai nước.
Chia sẻ với báo giới tại Hà Nội ngày 9.12, Thiếu tướng Jared Helwig - Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Duy trì lực lượng Quân khu 8, Lục quân Thái Bình Dương Mỹ và Chuẩn tướng Sarah Russ - Trợ lý Huy động lực lượng của Cục trưởng về Chiến lược, kế hoạch, chương trình và các yêu cầu, Không quân Thái Bình Dương Mỹ cho biết, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào về Triển lãm Quốc phòng quốc tế khi đã tổ chức thành công sự kiện quy mô lớn như vậy.
Các công ty quốc phòng lớn của Mỹ cũng góp mặt trong triển lãm này. Phía Mỹ đánh giá cao trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam, đánh giá cao Việt Nam đầu tư lớn về công nghệ quốc phòng.
Phái đoàn Mỹ đã có các cuộc gặp đại diện các quân chủng của Bộ Quốc phòng Việt Nam và các công ty tại triển lãm để trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
"Dù Việt Nam lựa chọn thế nào về hoạt động mua sắm hoặc sản xuất vũ khí, chúng tôi lạc quan về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Triển lãm Quốc phòng là bước khởi đầu mạnh mẽ. Chúng tôi mong được tiếp tục trao đổi để hợp tác với Việt Nam, ở tốc độ Việt Nam mong muốn, hỗ trợ cho quá trình này dễ dàng hơn" - Thiếu tướng Jared Helwig nói.
Về triển vọng hợp tác quốc phòng với Việt Nam trong năm 2023 - kỷ niệm 10 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện - và trong những năm tiếp theo, Mỹ mong muốn mở rộng hợp tác hơn nữa ở tốc độ Việt Nam thấy phù hợp. Khi điều kiện cho phép, Mỹ muốn tiến hành chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ tới Việt Nam.
Mỹ ấn tượng với nỗ lực tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Việt Nam, sẵn sàng bất kỳ hoạt động huấn luyện nào trong lĩnh vực này, chẳng hạn hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, đưa thêm sĩ quan trẻ Việt Nam học tại Mỹ.
Ngoài ra, trong năm 2023, Mỹ có kế hoạch diễn tập song phương hoặc đa phương với các nước ASEAN, dự kiến trong nhiều lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm hoạ, tiếp dầu, và các hoạt động mang tính phòng thủ. Mục tiêu chung là tăng cường an ninh, đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn, an ninh, thịnh vượng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey cho biết ông đang mong muốn tìm hiểu một số công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời các doanh nghiệp Anh cũng mang tới những công nghệ tuyệt vời mà Việt Nam đang muốn mở rộng.
"Vương quốc Anh có mối quan hệ hợp tác tuyệt vời cùng Việt Nam. Chúng ta có cùng những mối quan tâm về an ninh trong khu vực. Đang có thêm nhiều phái đoàn doanh nghiệp từ Anh ở đây nhằm xem xét cách thức tiếp nối mối quan hệ hợp tác này, đặc biệt về công nghệ. Thực tế là Vương quốc Anh rất mong muốn hợp tác kinh doanh với Việt Nam, bắt đầu cung cấp thiết bị, xây dựng quan hệ với quân đội Việt Nam", ông Heappey nói.
Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey
Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh xác định Đông Nam Á là một trọng tâm trong chiến lược "Nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Vương quốc Anh đã thúc đẩy sự hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển Đông nói riêng. Theo chính sách của Anh, phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên, nhưng đi kèm theo đó phải là môi trường an ninh ổn định, phù hợp luật pháp quốc tế.
Ông cho biết triển lãm là một cơ hội tuyệt vời, được tổ chức rất tốt và thông qua triển lãm, Bộ Quốc phòng Anh mong tìm hiểu một số công nghệ của VN trong ngành quốc phòng và cũng “mang tới những công nghệ tuyệt vời mà VN đang muốn mở rộng”.
Bài: Minh Nguyệt