Ông chủ Richy và những cảm xúc từ hạt gạo Việt
Vì sao lại lấy tên thương hiệu là Richy, thưa ông?
“Rich” có nghĩa là sự giàu có. Chúng tôi hướng đến sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn. Còn về thương hiệu, “Richy” nghĩa rộng hơn, chúng tôi hướng tới sự thịnh vượng.
Tại sao lại bắt đầu từ bánh gạo?
Gạo là sản phẩm tiêu biểu nhất của nền nông nghiệp Việt Nam, gạo của chúng ta xuất khẩu luôn đứng ở vị thế nhất, nhì trên thế giới. Vậy câu hỏi ngược lại là tại sao không? Không có lý do gì mà không bắt đầu và lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu dồi dào ngay trên đất nước mình.
Chính vì vậy, thời điểm ra đời sản phẩm đầu tiên, cảm xúc lúc đó rất lạ, vui và xúc động. Các công nhân của tôi cũng vậy, phần lớn họ xuất thân từ làm nông nghiệp, được chứng kiến những sản phẩm của mình được làm ra chính từ hạt gạo, điều ấy mang lại niềm vui và tự hào lắm.
Đi vào sản xuất hàng tiêu dùng, ông có thấy gặp nhiều khó khăn khi mà Việt Nam tham gia sâu rộng vào thị trường các nước ASEAN cũng như toàn cầu?
Thị trường trong nước hay khu vực hay thế giới giờ tựu chung một từ là “thị trường”. Thị trường càng rộng cơ hội càng lớn. Bánh gạo Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có mặt ở Việt Nam, họ khai thác thị trường 100 triệu dân của Việt Nam thì chúng ta cũng có cơ hội khai thác 600 triệu dân của các nước ASEAN, thậm chí là hàng tỷ dân trên thế giới. Trong mảng xuất khẩu thì Hàn Quốc cũng đang là thị trường lớn nhất của chúng tôi.
Hàng của Trung Quốc thường là thượng vàng hạ cám đang bán ở Việt Nam rất nhiều. Lợi thế của hàng của họ là giá rẻ nhờ có thể trốn thuế, chi phí vận chuyển thấp, thiết kế sản phẩm lại bắt mắt để đánh vào thị trường nông thôn. Nhưng Trung Quốc cũng lại là thị trường lớn của chúng tôi, chỉ sau Hàn Quốc. Mỗi tháng, công ty chúng tôi xuất hàng chục container sang đất nước có 1,5 tỷ dân này với nhiều tệp khách hàng khác nhau.
Và cứ vậy, trải lòng những kinh nghiệm với niềm đam mê của mình, ông Trần Sỹ Trực, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất Hoàng Mai, ông chủ của thương hiệu bánh kẹo Richy say sưa nói về những câu chuyện sản phẩm, tâm lý khách hàng Việt cũng như kế hoạch này nối tiếp kế hoạch kia trong quá khứ và cả hiện tại, tương lai.
“Chúng tôi đạt tăng trưởng 20-30% qua từng năm. Năm qua chúng tôi đạt doanh thu xuất khẩu 1.000 tỷ và mục tiêu năm nay là 1.250 tỷ”, đó là kết quả cuối cùng mà ông Trực tóm lại câu chuyện.
Vì sao có được những thành công như vậy?
Doanh nhân nào trên con đường của mình rồi cũng trải qua nhiều thời điểm buộc phải đưa ra những quyết định sống còn liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhiều khi những quyết định có yếu tố may mắn. Nhưng với tôi, quan trọng hơn cả là động lực thúc đẩy chúng ta theo đuổi mục tiêu.
Khi nhà máy đầu tiên tại Hà Nội của chúng tôi đi vào hoạt động ổn định, tôi có ý định vào miền Trung xây dựng nhà máy thứ 2. Trong lúc đang tìm kiếm địa điểm thì một người bạn giới thiệu tôi một đơn vị muốn bán một nhà máy tại TP.HCM. Nhà máy này thực sự lý tưởng, máy móc thiết bị hiện đại, phù hợp nên tôi đã quyết định mua lại kèm theo điều kiện cam kết với người chủ cũ “phải ổn định toàn bộ nhân sự, không được cho ai nghỉ việc”. Tôi đồng ý.
Bắt đầu những ngày tháng ăn cùng công nhân, làm cùng công nhân và ngủ tại nhà máy. Nhưng để công nhân có việc thì sản phẩm cần ổn định đầu ra. Mà sản phẩm ổn định đầu ra thì ngoài các yếu tố chất lượng, bao bì đẹp còn cần giá thành phải hạ. Đây là bài toán đau đầu đối với bộ phận kinh doanh.
“Các bạn cứ tính cho tôi giá thành và giá bán ở mức sản lượng cao nhất”.
Nhân viên của tôi nói: Bán giá đó sẽ lỗ.
“Tôi chấp nhận lỗ để có được thị trường đã”.
Nhà máy thứ 2 của chúng tôi làm việc ngày đêm. Hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Phân phối tại khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc, cả công ty vào cuộc và chúng tôi may mắn có sẵn hệ thống phân phối đã gây dựng 10 năm khi làm xuất khẩu. Cứ thế, cán bộ và công nhân của chúng tôi rất vui, nhất là anh em tại phía Nam, nhịp điệu sản xuất và kinh doanh không khí rất hứng khởi.
Cũng thời gian đầu, ngay từ khi sản phẩm mới ra lò, chúng tôi rất tích cực tham gia các hội chợ, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Nhiều bạn bè nói vui, “Nhà máy bé, sản xuất chưa nhiều mà không hội chợ nào thấy vắng mặt”, nhân viên của tôi cũng nghĩ vậy “Sếp thích đi hội chợ hay sao ấy”, có người không khỏi thắc mắc.
Đó là cơ hội tuyệt vời để mang sản phẩm ra thị trường, giới thiệu với người tiêu dùng và gặp gỡ, kết nối được các đối tác.
Hàng chưa nhiều, sản xuất không đủ tiêu thụ trong nước tôi vẫn quan tâm tới xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài. Nhà máy hoạt động năm 2011 thì năm 2012 lô hàng đầu tiên của chúng tôi được xuất đi Mỹ, một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Mục tiêu tôi đặt ra cho cán bộ, công nhân là quyết phải tiến tới cân bằng được cán cân thương mại trong công ty.
Hiện mục tiêu này tới đâu, thưa ông?
Vẫn còn xa lắm, đang ở 80/20, trong đó 80% là nhập. Điều đó có nghĩa là chiến lược và quyết tâm bao gồm cả cơ hội mở rộng sản xuất, vươn ra thị trường nước ngoài của chúng tôi còn rất lớn ở phía trước.
Về nguyên liệu, các sản phẩm của Richy hiện đang sử dụng nguyên liệu nội địa là bao nhiêu %?
Bánh gạo Richy dùng 70% là gạo Việt Nam, bánh Karo cũng làm từ thịt gà và trứng. Một ngày chúng tôi tiêu thụ 15 tấn gạo, mấy trăm nghìn quả trứng gà.
Hiện, 1 tấn gạo có giá xuất đi là trên dưới 500 USD. Trong khi đưa vào sản xuất chế biến thì 1 tấn gạo tạo ra thành phẩm bánh, bán được 4.000 USD. Những giá trị tăng thêm này nằm ở giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 600 con người và gia đình của họ với mức thu nhập bình quân 12 triệu/tháng và còn góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.
Các sản phẩm của Richy có vị rất riêng trên thị trường?
Các sản phẩm đều ra đời trong quá trình vừa làm vừa cải tiến sản phẩm vì nhu cầu “khẩu vị” của khách hàng. Chúng tôi có bộ phận tiếp nhận ý kiến phản hồi, hiểu người dùng và nắm bắt nhanh nhạy trend (xu thế) sản phẩm. Trend xuất hiện càng nhanh càng sớm mất đi. Trend đánh đúng vào nhu cầu thiết yếu của khách hàng mới tồn tại lâu dài.
Ngày trước, mọi người ăn bánh phải có vị ngọt. Dần dần, bánh giảm ngọt rồi chuyển sang vị mặn. Hiện nay, người dùng rất sợ chất bảo quản và ít ăn bánh khô để lâu. Xu thế bánh tươi đang và sẽ phát triển mạnh. Đây sẽ cũng là chìa khoá để chúng tôi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Bởi hàng nhập cần thời gian để vận chuyển và không dễ để phân phối bánh tươi đến khách hàng. Doanh nghiệp trong nước cần tận dụng điểm mạnh này để bảo vệ thị phần, đồng thời, đáp ứng đúng mong muốn người tiêu dùng.
Chúng tôi đang chuẩn bị cho ra sản phẩm mới, đó là Karo phô mai trứng muối, đây cũng là sản phẩm “bắt trend” trên thị trường.
Hiện tại, phòng lab của chúng tôi mới chỉ phục vụ riêng cho từng nhà máy ở miền Bắc và Nam. Thời gian tới công ty sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển đặt ở Tây Ninh.
Công ty đang có hệ thống phân phối sản phẩm với hơn 100.000 điểm bán hàng, phủ tới 80% dân số. Ông có thể chia sẻ những bước đi về chiến lược này?
Trên toàn quốc hiện nay có tổng cộng hơn 120.000 điểm bán hàng bánh kẹo. Con số này lớn so với những ngành khác bởi bánh kẹo thường bán ở các điểm tạp hoá, chợ, gần đây phát triển thêm các kênh siêu thị, trung tâm thương mại.
Richy thừa hưởng thành quả từ 10 năm đầu làm thương mại với hệ thống phân phối lớn, đây là lợi thế đầu tiên khi chúng tôi chuyển sang sản xuất. Ngay thời kỳ đầu, sản phẩm sản xuất ra được hệ thống phân phối “cõng” ngay, lúc đó hàng Richy chưa có thương hiệu, nhưng các đại lý chấp nhận luôn vì uy tín phân phối của Hoàng Mai.
Ông có kế hoạch phát triển phân phối qua kênh thương mại điện tử hay không?
Từ năm 2019, chúng tôi hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam và có đầy đủ gian hàng trên đó. Hiện tại, mục tiêu của thương mại điện tử vẫn là làm thương hiệu. Tiki, Shopee, Lazada có hàng triệu người dùng và là kênh marketing tốt cho chúng tôi.
Mặt khác, công ty nhận thấy doanh số trên kênh trực tuyến tăng mạnh nhưng dung lượng thị trường vẫn còn rất nhiều. Vì thế, kênh online rất tiềm năng, sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Năm 2021, chúng tôi sẽ thành lập hệ sinh thái Richy trực tiếp bán, trên fanpage, Zalo Shop, web thương mại điện tử riêng.
Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên, sản phẩm bánh Karo bán online rất tốt. Trên Shopee, 1 ngày chúng tôi tiếp nhận 1.000 đơn, trong ba ngày liên tiếp. Công ty phải tăng cường nhân sự ở các kho để đóng hàng. Nhu cầu và thói quen của người dùng thay đổi tích cực, mua hàng online nhiều hơn. Doanh nghiệp phải tìm cách tận dụng và có sản phẩm dịch vụ tiện lợi với người mua bởi tiềm năng thị trường quá lớn.
Do đặc thù của bánh kẹo là giá trị thấp, mua online mất tiền phí ship khiến gói bánh gạo 13.000-14.000 đồng nhưng tốn tới 30.000 đồng vận chuyển là không hợp lý. Vì vậy, chúng tôi phải tính thiết kế các combo nhiều sản phẩm với giá trị cao hơn, rồi giảm giá và giảm phí ship để kích thích khách hàng.
Ông có thêm điều gì để chia sẻ với những bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay?
Dám nghĩ, dám làm. Hãy quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Trong bối cảnh hội nhập, thách thức lớn nhưng cơ hội cũng vô cùng lớn. Mạnh dạn bước ra ngoài thế giới. Thị trường rất rộng cho chúng ta khai thác.
Nhưng cần lưu ý, mỗi một quốc gia, một thị trường có những đặc điểm riêng, có những quy tắc đặc thù, cần tìm hiểu thật kỹ và tôn trọng những quy tắc đó. Khi ấy, mọi thứ trở nên dễ dàng và thuận lợi. Chất lượng sản phẩm là điều đầu tiên phải cam kết tốt trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, phải coi trọng mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác rõ ràng, hấp dẫn. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng không thể bỏ qua trên thị trường hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn BizLive