Quyết tâm và tầm nhìn lãnh đạo là quan trọng nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt
Trên thực tế theo ông Jonathon, các quan tâm về yếu tố kỹ thuật như vừa hiện đại hoá hạ tầng công nghệ, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa cắt giảm chi phí là mối quan tâm chung của tất cả các doanh nghiệp ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương chứ không riêng Việt Nam.
Đa số doanh nghiệp kỳ vọng rằng chuyển đổi số sẽ tạo nên một môi trường làm việc năng động, hướng tới một mô hình kinh doanh sáng tạo hơn dựa trên năng lực của họ hoặc thông qua việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ CNTT.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn đặt vấn đề đào tạo nhân lực để vận hành doanh nghiệp sau khi chuyển đổi số vì họ lo rằng những nhân lực với năng lực cũ sẽ khó mà thích nghi được.
Quyết tâm và tầm nhìn lãnh đạo là yếu tố quyết định
Là một đơn vị tham gia từ rất sớm vào lĩnh vực điện toán đám mây, AWS có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đa ngành nghề. Ông Jonathon cho rằng, các yếu tố liên quan tới công nghệ không phải là quyết định tới sự thành bại của quá trình chuyển đổi số.
"Yếu tố quyết định nằm ở quyết tâm và tầm nhìn của nhà lãnh đạo, họ phải là những người đi tiên phong và truyền cảm hứng cho nhân viên theo đuổi mô hình kinh doanh dựa trên sáng tạo, đổi mới lấy khách hàng làm trung tâm", ông Jonathon nhấn mạnh.
Theo ông Jonathon, dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một xu thế mới trong các tập đoàn, tổ chức lớn trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và cả thế giới, đó là đổi mới sáng tạo với tập trung vào khách hàng nhằm tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Sự quyết tâm của các lãnh đạo ở các tổ chức này đã tạo ra được nhiều thành quả cho chính doanh nghiệp của họ.
Các tập đoàn bảo thủ cũng bắt đầu thay đổi quan điểm đầu tư, ví dụ như hãng hàng không Korean Air. Đơn vị này đã quyết định từ bỏ mô hình thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển sang xây dựng và sử dụng một môi trường điện toán đám mây để áp dụng các công nghệ mới, như công nghệ phân tích hoặc công nghệ dự báo dựa trên môi trường điện toán đám mây, nhằm tối ưu hóa hoạt động.
Ngay cả trong khu vực công, một số doanh nghiệp nhà nước cũng bắt đầu tận dụng chuyển đổi số để phục vụ khách hàng. Các hãng vận tải ở bang New South Wales (Úc) cũng đang sử dụng các công nghệ nói trên để tối ưu hóa các tuyến đường cũng như đỗ xe sao cho hoạt động vận tải của họ hiệu quả nhất.
Xu hướng này, ông Jonathon cho biết, đã hình thành một văn hoá mới trong doanh nghiệp được gọi là văn hoá thử nghiệm. Những dự án mới được thử nghiệm rất nhanh, nếu có thất bại thì thất bại cũng phải nhanh để rút kinh nghiệm và thử với dự án khác.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian mà còn tạo ra được nhiều dịch vụ kinh doanh mới. Điển hình như hãng điện thoại Samsung khi chuyển các cơ sở dữ liệu của họ từ môi trường truyền thống sang môi trường điện toán đám mây AWS thì họ đã tiết kiệm được tới 40% chi phí vận hành. Hiện nay môi trường cơ sở dữ liệu của Samsung trên AWS đang hỗ trợ là dòng điện thoại Galaxy hiện khá phổ biến trên thế giới.
Triển khai chuyển đổi số đang tăng tốc ở Việt Nam
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với văn hoá này và đạt được nhiều thành tựu nhất định trong thời gian qua. Điển hình như VTV đã ứng dụng dịch vụ AWS cho ứng dụng VTV Go từ năm 2015, và đã nhanh chóng mở rộng số thuê bao đồng thời từ 200,000 lên hơn 1,5 triệu người dùng.
Hiện AWS vẫn đang tiếp tục hợp tác với VTV để mở rộng hạ tầng phục vụ số người truy cập đồng thời không chỉ ở Việt Nam mà còn đến từ 200 quốc gia trên toàn cầu.
TranS, phần mềm ứng dụng họp và học trực tuyến cũng đã tăng rất nhanh số lượng người dùng từ 1.000 lên 450.000 trong thời gian đại dịch. Tương tự, một loạt các tổ chức khác trong ngành giáo dục đào tạo cũng có khả năng nhanh chóng mở rộng hệ thống hạ tầng để đáp ứng yêu cầu khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Ông Jonathon cho biết ông rất ấn tượng với kế hoạch đưa Việt Nam thành một quốc gia số, quốc gia thông minh vào năm 2030 của Chính phủ. Vì ngay khi cả đại dịch Covid-19 kết thúc, mô hình làm việc từ xa vẫn được duy trì, làm cho các đổi mới về quy trình, nghiệp vụ trong doanh nghiệp và văn hoá "thí điểm" đã được xây trên nền tảng điện toán đám mây sẽ tiếp tục được phát huy.
"Như tôi đã chia sẻ, công nghệ chỉ là một phần, tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo sẽ đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi số", ông Jonathon khẳng định.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế