'Sẽ hình thành con người số y học'
Trong hội nghị Chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020, diễn ra ngày 30/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu dữ liệu khám bệnh của mọi người được lưu trữ, được phân tích sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, trong khi AI có thể tư vấn trong sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ.
"Chuyển đổi số y tế giúp hình thành một con người số y học của mỗi chúng ta. Trên những con người số y học này, việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá... sẽ có sự thay đổi căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ vô cùng to lớn cho người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, chuyển đổi số y tế, hay y tế số, sẽ dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên nay sẽ trở thành tài sản lớn, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Người đứng đầu Bộ TT&TT nêu ví dụ, Việt Nam hiện mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng nghìn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h.
Ông nhận định, giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hóa là "mơ ước lớn nhất của nhân loại và chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này".
"Kết nối hàng trăm nghìn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình phải là một nền tảng công nghệ số. Mô hình hoạt động ở đây là, nền tảng cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh. Các bác sĩ mới là người cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn khám bệnh. Nền tảng tạo ra công cụ để hàng nghìn bác sĩ kết nối, tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho rằng Bộ Y tế nên khởi động chuyển đổi số bằng một số nền tảng để giải quyết vấn đề cơ bản nhất của ngành y tế.
Trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, được Thủ tướng ban hành ngày 3/6, có 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số là Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp. Trong đó, y tế và giáo dục được xếp ở vị trí đầu tiên, và được đánh giá là hai lĩnh vực tác động đến nhiều người dân nhất, có độ phủ rộng khắp và là lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Cũng vì thế, chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả nhất.
Chuyển đổi số được coi là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. "Đột phá ở chỗ, nơi nào khó khăn, đói nghèo hơn sẽ ứng dụng hiệu quả hơn. Đột phá ở chỗ, nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất với giá rất rẻ. Đột phá ở chỗ, mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người sáng tạo, kinh doanh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đối với Việt Nam, khi các nguồn lực vật chất còn hạn hẹp, việc phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình để phát triển nhanh và bền vững đất nước sẽ là con đường đúng nhất, thậm chí là duy nhất. Chuyển đổi số y tế là hướng đi tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế.
Bộ TT&TT được Thủ tướng giao dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số các ngành. "Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên một triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế", ông Hùng nói.
" theo vnexpress.net"