Startup 2 lần đạt giải Nhân tài Đất Việt và chiến lược "thu nhỏ để lớn hơn"
Thông thường khi mở một công ty để kinh doanh, ai cũng mong muốn công ty sẽ ngày càng đông nhân viên hơn, mở rộng sang nhiều ngành lĩnh vực hơn, và chinh phục nhiều cột mốc mới.
Tuy nhiên, không phải điều này lúc nào đúng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nơi mà các công ty luôn cần sự bổ trợ và hợp tác với nhau để tiến xa. Bên cạnh đó, việc tận dụng mọi nguồn lực mà mình có, bao gồm cả việc tham dự các cuộc thi cũng là điều mà startup nên làm.
Đây là kinh nghiệm được Hoàng Ngọc Trung - người từng 2 lần đoạt giải tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt, trong đó có một giải Nhất - chia sẻ tới những bạn trẻ có niềm đam mê khởi nghiệp.
Nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Hoàng Ngọc Trung, nguyên là Chủ tịch HĐQT AI Việt Nam - công ty CNTT hình thành và phát triển từ năm 2003. Ngay tại thời điểm thành lập công ty, anh Trung - khi ấy còn là một sinh viên mới tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghĩ đến việc trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một xu hướng tương lai của thế giới.
Thực tế cho thấy ở nước ta, mặc dù AI được nói đến và phát triển khá nhiều trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, không có nhiều công ty, đội ngũ phát triển nhìn thấy tiềm năng của nó từ hàng chục năm trước như anh Hoàng Ngọc Trung và những người bạn của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Trung cho rằng để ứng dụng và phát triển công nghệ AI một cách tốt nhất, cần đảm bảo 2 yếu tố: Một là công ty, đội ngũ phát triển AI phải có chương trình đào tạo chuyên sâu vì ứng dụng AI có độ khó cao, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự đầu tư bài bản lâu dài. Hai là yếu tố thị trường, khi doanh nghiệp, tổ chức phải quan tâm, ưu tiên, đầu tư đến việc thương mại hóa ứng dụng.
Bên cạnh đó, khâu định hướng và lựa chọn lĩnh vực để tập trung cũng đặc biệt quan trọng, và có thể đóng vai trò "sống còn" đối với một doanh nghiệp.
Không ngừng thay đổi, đưa ra những lựa chọn hợp lý, và tận dụng mọi nguồn lực trong tay là điều kiện tiên quyết để một startup đến với thành công. (Ảnh: Mạnh Quân)
"Những năm đầu giống như nhiều công ty khởi nghiệp khác, chúng tôi có đội ngũ ít ỏi, khoảng 10 người", anh Trung chia sẻ. "Tới giai đoạn cao điểm năm 2015, 2016, công ty đã có đến hơn 100 kỹ sư CNTT". Tuy nhiên thay vì tiếp tục mở rộng mô hình nhân sự và các lĩnh vực CNTT liên quan, anh quyết định thu hẹp để "tập trung nguồn lực" được tốt hơn.
"Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong 5 năm vừa rồi, chúng tôi quay lại xác định tập trung vào lĩnh vực được cho là thế mạnh nhất của mình - đó là giải pháp đào tạo trực tuyến", anh chia sẻ. "Khi tập trung rồi thì lượng người không cần nhiều. Thí dụ như để làm tốt việc nghiên cứu và triển khai dự án chỉ cần khoảng 30 người là đã có quy mô tốt để phát triển và giảm bớt các chi phí cho khách hàng".
"Một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Trong một lĩnh vực rộng lớn như CNTT, nếu như muốn làm chủ tất cả các công nghệ thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nếu có thể bắt tay hợp tác, tích hợp những công nghệ sẵn có thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Đây là kinh nghiệm được anh Trung chia sẻ qua nhiều năm đúc kết.
Ngoài ra theo lời Chủ tịch AI Việt Nam, việc nhận được "đòn bẩy" từ các Giải thưởng, điển hình như cuộc thi Nhân tài Đất Việt, cũng là một may mắn mà AI Việt Nam có được trên chặng đường phát triển của mình.
"Nhân tài Đất Việt là nguồn động lực để startup làm sản phẩm tốt hơn"
Kể về lần tham dự và đoạt giải Nhất năm 2007, quán quân Nhân tài Đất Việt nhớ lại cảm xúc "lâng lâng", vui sướng, xen lẫn tự hào đối với không chỉ bản thân, mà còn cả gia đình. "Mãi sau này, khi đi đến nhiều nơi, tôi vẫn được người ta nhận ra nhờ lên bục nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt", anh Trung cười. "Thực sự giải thưởng đã tạo ra một sự thay đổi lớn và là một cột mốc đáng tự hào trong cuộc đời tôi".
Đến năm 2013, sản phẩm "giải pháp học trực tuyến trên thiết bị di động" của anh Hoàng Ngọc Trung tiếp tục nhận được giải Khuyến khích tại cuộc thi.
Nhấn để phóng to ảnh
Các giải thưởng như Nhân tài Đất Việt đóng một vai trò cực lớn đối với startup khi họ chưa có gì trong tay. (Ảnh: Mạnh Quân)
Có một thực tế đó là mặc dù biết rằng Nhân tài Đất Việt là giải thưởng uy tín, được xã hội công nhận, nhưng nhiều nhóm tác giả khi đến với cuộc thi, vẫn vô cùng bỡ ngỡ trước sự khắt khe và nghiêm túc của Hội đồng Giám khảo. Trong đó, ngay cả những thí sinh từng 2 lần đoạt giải như anh Hoàng Ngọc Trung cũng không ngoại lệ.
"Ban giám khảo của Nhân tài Đất Việt là đội ngũ rất đặc biệt, với hầu hết đều là các vị lãnh đạo của các đơn vị Cục, Vụ, Hội nhóm về CNTT, những người rất thành công trong giới CNTT. Họ đều có con mắt, góc nhìn rất thực tế, mà vừa mang tính thời sự của công nghệ", anh Trung chia sẻ. "Do đó, muốn được giải thì chắc chắn sản phẩm phải có tiềm năng thành công, phải có tính ứng dụng thực tiễn cao".
Sự khắt khe của Hội đồng Giám khảo NTĐV cũng thể hiện trong những năm giải thưởng không có Giải Nhất, vì đơn giản là "không có đội nào đủ xuất sắc". Nhiều thí sinh cho đến nay khi kể lại, vẫn không thể quên những lần bị Giám khảo "quay như chong chóng", đến độ "toát mồ hôi" tại vòng thi Chung khảo, nhưng may mắn là vẫn có bài trình bày tốt.
Nhấn để phóng to ảnh
Nếu muốn chinh phục được Hội đồng Giám khảo Nhân tài Đất Việt, thì chắc chắn sản phẩm phải có tiềm năng và tính ứng dụng thực tiễn. (Ảnh: Mạnh Quân)
"Đối với những bạn trẻ, sinh viên mới ra trường, tiền bạc không có nhiều, quan hệ chưa có, thì một cuộc thi như NTĐV là đích đến không thể tốt hơn", anh Hoàng Ngọc Trung nhận định. "Cuộc thi tham gia thì gần như không mất gì, mà nếu đạt giải thì sẽ thu hút rất nhiều các nhà đầu tư, và tạo ra nhiều mối quan hệ. Đây là một điều kiện rất tốt, tiếp sức cho các nhóm tác giả có sản phẩm tài năng thực sự".
" Theo dantri.com.vn "