Tham gia "sân chơi" FTA: Doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn cao của các thị trường
Mức xuất siêu còn thấp, thiếu tính bền vững
Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần; từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD; tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Theo nhận định từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu nên trong 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì mức xuất siêu 764 triệu USD. Mức xuất siêu tuy không cao nhưng cũng là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu hiện nay còn thấp, thiếu tính bền vững, nguy cơ nhập siêu vẫn luôn hiện hữu. Nhập siêu không chỉ tác động đến kinh tế vĩ mô (cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, công nợ ngoại tệ, lạm phát…), mà còn tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế.
“Cảnh báo trên đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn. Trong các giải pháp hạn chế nhập siêu, giải pháp cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu hoặc khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu tính gia công, lắp ráp để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Đồng thời, cần có giải pháp để ứng phó với việc tăng giá USD, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, khi tỷ giá VND/USD và tỷ giá thương mại hàng hóa đã giảm hơn 2 năm”, Tổng cục Thống kê lưu ý.
Giải pháp nào để xuất nhập khẩu bền vững?
Đánh giá cao những kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam song chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương cũng nhắc đến mặt còn yếu về "chất" của hoạt động xuất khẩu nước ta: Kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp, so với các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia thì giá trị gia tăng của chúng ta thấp hơn nhiều…
Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển dịch chuyển biến mạnh mẽ song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến chế tạo, gia công lắp ráp, nguyên liệu thô. Điều này cho thấy, hiện chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhập siêu rất lớn...
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cũng nhận định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chúng ta có thể kể đến một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
"Hiến kế" để hoạt động xuất khẩu bền vững trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, mặc dù doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan xuống rất thấp trong các FTA nhưng ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các thị trường đó thì mới có thể tham gia các sân chơi này.
"Ví dụ, thị trường nông sản phải đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm; các sản phẩm phải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, phải tái chế, tái sử dụng được… Cùng với đó, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới nguồn nhân lực...", chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương dẫn chứng.
Về phía Cục Xúc tiến thương mại, ông Lê Hoàng Tài lưu ý, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.
Đặc biệt, có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, giảm chi phí, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Ngoài ra, cần chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu...
" Theo qdnd.vn "