Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng: Một thỏi thép đã đi qua lửa!
Đã có rất nhiều anh hùng sinh ra từ khói lửa chiến tranh. Nhưng trong hòa bình cũng đã có những người lính anh hùng. Họ không giáp mặt với kẻ thù nhưng lại đối diện với biết bao vấn đề khó khăn của cuộc sống, trên thương trường. Họ mặc quân phục, không nổ súng nhưng phẩm chất anh hùng vẫn lấp lánh… Vị doanh nhân khoác áo lính, người Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc – Bộ Quốc phòng vừa được vinh danh trước Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là một minh chứng.
Anh hùng Lao động Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, TCT Đông Bắc (Ảnh: tongcongtydongbac.com.vn)
Sản xuất than như quân đội đánh giặc
Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở một vùng quê thuần nông Thái Bình, ông nhập ngũ tháng 12/1974, trải qua Khóa huấn luyện đi B với nhiều cương vị công tác trong Quân đội, từ chiến sĩ Ban huấn luyện F371 đến Trưởng ban kinh tế F395 – Quân Khu 3. Đóng quân từ miền Trung du đến những dải đất biên cương những năm tháng chiến tranh biên giới và hiện nay, ở cương vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc – Bộ Quốc phòng, có thể nói cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển gắn phần nhiều với than, với vùng mỏ Quảng Ninh. Chính tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng sống, phẩm chất của người lính là nền tảng, động lực để ông không ngừng phấn đấu cống hiến sức lực, trí tuệ, nỗ lực vượt lên chính mình trở thành một vị tướng, một doanh nhân xuất sắc và vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Năm 1995, ông bén duyên với ngành than, được đơn vị điều động làm giám đốc Xí nghiệp Khai thác Khoáng Sản thuộc Công ty Đông Bắc (nay là Tổng Công ty Đông Bắc), sau bốn năm, ông đã đưa Xí nghiệp Khai thác Khoáng sản trở thành Đơn vị SXKD vững mạnh toàn diện của Đông Bắc.
Cách làm của ông đã lọt vào mắt tổ chức, ông được cất nhắc lên Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Đông Bắc. Nhiều năm phụ trách công tác an toàn, kỹ thuật – khâu trọng yếu của nghề mỏ, ông không chỉ nổi bật ở lĩnh vực chuyên môn, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả trong SXKD. Để rồi sau những vụ “trận mạc” ấy ông ghi thêm “kỷ lục ngủ” cho đời mình, đó là nhiều ngày đêm không cần ngủ, lao vào công việc. Đôi lúc ông rưng rưng nước mắt, ngồi ngắm lại những bức ảnh cứu hộ, chính ông cũng không nhận ra mình khi thì với gương mặt thất thần xót xa đồng đội, khi thì nhem nhuốc bùn than và lúc ấy ông thấm thía lời của Bác Hồ hơn bao giờ hết: “Sản xuất than như quân đội đánh giặc”.
“Tâm lệnh” hơn “khẩu lệnh”
Đông Bắc với ông là tất cả! Ở đó là tình yêu thương, là máu thịt, là gia đình, là mồ hôi nước mắt, niềm tự hào, trách nhiệm và hơn thế nữa. Trên cương vị chỉ huy, quản lý, điều hành một doanh nghiệp lớn trong đó có gần 9 năm với vai tròTưlệnh-Tổng giám đốc, ông đã toàn tâm dốc sức lực, trí tuệ cùng tập thể CBCS – CNVCLĐ làm nên một Đông Bắc Anh hùng với những bước tiến lớn mạnh vượt bậc, trở thành “kỳ tích” sau hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển.
Ông bảo, tài nguyên Đông Bắc trời cho lại thuộc diện “con nhà khó” thì phải tính sao thật tiết kiệm, tận thu triệt để, đưa khoa học công nghệ vào áp dụng, tăng cường gia công chế biến, đẩy mạnh công tác nhập khẩu than đáp ứng nhu cầu thị trường và làm tốt công tác quản trị chi phí. Đó là vấn đề mấu chốt để Đông Bắc có hiệu quả trong SXKD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đó cũng chính là trách nhiệm với đất nước, với con cháu sau này.
Để ổn định lao động cho sản xuất, ông quan tâm đặc biệt đến chính sách thu hút người lao động làm việc trong hầm lò, đây là vấn đề “nóng” của ngành than hiện tại và tương lai. Bằng việc tuyển lao động địa phương, xây dựng nhà ở tập thể khang trang, có chính sách thu hút nhân tài… đến nay Đông Bắc đã có1.700 kỹ sư và cử nhân, trên 500 người có trình độ cao đẳng và hơn 8.000 công nhân kỹ thuật, thực sự là nguồn lực quan trọng, quý giá đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Đông Bắc.
Năm 2014, ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và xây dựng Giải pháp “Quy hoạch khai thác, đổ thải, vận tải, thoát nước khu vực khai thác lộ thiên Tây Khe Sim và Khe Tam” được Hội đồng sáng kiến Tổng công ty thẩm định và áp dụng vào thực tiễn. Qua đó đã làm giảm cung độ vận tải đất đá thải, tạo sự đồng bộ, liên thông nhịp nhàng về công tác vận tải của các đơn vị trong khu vực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết giảm chi phí hàng trăm tỷ đồng…
“Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là phẩm chất nổi trội nhất ở vị Chỉ huy Phạm Ngọc Tuyển. Cuối năm 2013, một giai đoạn bước ngoặt của Tổng Công ty Đông Bắc đã mở ra, đó là từ 2 Bộ quản lý trước đây, nay chính thức còn mình Bộ Quốc phòng quản lý. Áp lực chia tách cứ đè nặng lên suy nghĩ của ông, khiến nhiều đêm ông thức trắng trằn trọc. Nhưng cuối cùng bản lĩnh, khối óc của người chỉ huy đã thôi thúc ông làm, chỉ huy “trận chiến” quyết liệt và thành công ngoài mong đợi. Thành công là vậy, nhưng tình nghĩa với Tập đoàn TKV vẫn còn nguyên vẹn, thủy chung son sắc…
Các chiến sĩ Đông Bắc thường tâm sự: Rất trọng tài cầm quân của Tướng Tuyển – đó là “Tâm lệnh” hơn “khẩu lệnh”, tức ông nắm chiến lược còn anh em giỏi chiến thuật. Tôi còn nhớ nguyên câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt – Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc: “Anh ấy là một thỏi thép đã đi qua lửa!”
Anh hùng Lao động Thiếu tướng, Phạm Ngọc Tuyển - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc cùng 6 đồng chí thợ mỏ tiêu biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động sản xuất và công tác với những câu chuyện giản dị và những kỷ niệm về cuộc sống đời thường tại Lễ tuyên dương thợ mỏ tiêu biểu xuất sắc, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công nhân vùng mỏ - Truyền thống Ngành than (12/11/1936 - 12/11/2016). Nguồn thông tin và ảnh: tongcongtydongbac.com.vn
Cuộc sống luôn nở hoa
Là một doanh nhân khoác áo lính, hơn ai hết, Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển hiểu rõ: Nếu chỉ quan tâm đến kinh doanh thôi chưa đủ, việc xây dựng bản lĩnh chính trị và giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế là hết sức quan trọng để xứng đáng là “đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và đội quân công tác”. Hai chữ “nghĩa tình” ở đây nói lên nhiều điều. Trước tiên nó là tình cảm với nhiệm vụ cấp trên giao; tiếp đó là nghĩa tình giữa con người với con người; giữa đồng đội với đồng đội; nghĩa tình với nhân dân, với thế hệ đi trước, với đồng nghiệp, với đối tác khách hàng… Chính “nghĩa tình” đã đưa con người Đông Bắc trở thành hình ảnh của sự thân thiện với môi trường, gắn bó với cộng đồng, nghĩa tình, thủy chung với đồng đội.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động. Ảnh: tongcongtydongbac.com.vn
Hầu hết các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi hỏi về Doanh nghiệp quốc phòng trấn ải vùng Đông Bắc Tổ quốc của Tướng quân Phạm Ngọc Tuyển đều có chung nhận xét: “Họ luôn hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ vinh quang, đó là góp phần xây dựng khu vực phòng thủ phía Bắc và phát triển kinh tế đất nước. Họ không chỉ SXKD hiệu quả mà luôn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, biết hài hòa các lợi ích, biết chia sẻ, đùm bọc nhân dân… Họ xứng danh Anh hùng!”.
Theo Lê Xuân - Congluan.vn