Tiếp sức doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Chính sách hay, triển khai chậm và khó
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã ảnh hưởng trên diện rộng khiến nhiều hộ kinh doanh, DN phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp tới GRDP của các địa phương, nổi bật là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Bình Dương... Sức chịu đựng của các DN trong các ngành: Du lịch, ăn uống, lưu trú, hàng không, đường sắt... cũng đã tới hạn khi phải gánh chịu những tác động tiêu cực kéo dài, âm ỉ. Theo kết quả khảo sát tác động từ dịch Covid-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hơn 10.000 DN trên cả nước cho thấy, có đến hơn 87% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực, chỉ 11% DN không bị ảnh hưởng gì và gần 2% vẫn kinh doanh tốt.
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. |
Trước những khó khăn của DN do đại dịch Covid-19 gây ra, thời gian qua, nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các DN đã được Chính phủ ban hành, kịp thời “cứu sống” nhiều DN. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. 3 chính sách được các DN đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích bao gồm: Gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập DN và gia hạn nộp tiền thuê đất.
Song ý kiến của nhiều chuyên gia, DN cho thấy, còn nhiều chính sách hiện vẫn khó triển khai do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện đáp ứng quá chặt chẽ. Chia sẻ rõ về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ. May 10 đã được hưởng lợi từ các chính sách hoãn, giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, chính sách điều chỉnh lãi suất... Nhưng DN này cũng chưa tiếp cận được chính sách vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động. Nguyên nhân là các DN không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ như tiêu chí DN phải mất bao nhiêu lao động, bớt bao nhiêu doanh thu và quy trình thủ tục tiếp cận khó khăn.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khóa, tín dụng, an sinh xã hội... Các chính sách được đánh giá là hữu ích với DN nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế. Do đó, các DN đề xuất lãnh đạo ở các cấp, ngành cần cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận, xác định đúng đối tượng thụ hưởng... DN mong muốn có giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi
Sau hơn một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Trước thực trạng diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và khó có thể đoán định được thời gian kết thúc, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ DN và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì hỗ trợ để cầm cự như thời điểm trước.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh việc duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế, cần phải chủ động xây dựng các biện pháp hỗ trợ mới và phải tiếp cận theo nhóm đối tượng, tập trung hỗ trợ các DN đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. “Có những DN, ngay cả khi có hỗ trợ thì vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi. Theo đó, phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch...”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.
Nhấn mạnh quan điểm cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các DN trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, về lâu dài các chính sách về thể chế rất quan trọng. Theo đó, cần có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho DN. Cùng với đó, cần xây dựng kịch bản diễn biến của thị trường để giúp DN chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Ghi nhận phản ánh của cộng đồng cho thấy, cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, nhiều DN cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa các tiêu chí, điều kiện tiếp cận.
" Theo qdnd.vn "