Xúc tiến thương mại trực tuyến - trợ lực đẩy mạnh xuất khẩu
Hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số trở thành giải pháp hữu hiệu giúp DN tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu của cả nước.
Linh hoạt chuyển hình thức
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động XTTM truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương chuyển sang hình thức xúc tiến mới, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (hybrid), nhờ đó giúp DN Việt Nam vẫn có thể tiếp cận được các đối tác quốc tế hiệu quả trong bối cảnh đại dịch.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu trực tuyến. Ảnh: VĂN THƯƠNG |
Còn nhớ, tại kỳ Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 18 (CAEXPO 2021) diễn ra tại Quảng Tây, Trung Quốc trong tháng 9-2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Việt Nam tham gia hội chợ với quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN (với 2.000m2 diện tích trưng bày). Ngoài khu gian hàng trực tiếp với sự tham gia của hơn 70 DN có đại lý, chi nhánh tại Trung Quốc, Cục XTTM, Bộ Công Thương tổ chức khu gian hàng của hơn 20 DN Việt Nam tham gia hội chợ theo mô hình triển lãm từ xa thuộc các ngành hàng có sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc, như: Nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng... Theo hình thức này, DN chỉ cần gửi sản phẩm tới ban tổ chức hội chợ, triển lãm để trưng bày. Việc kết nối, trao đổi thông tin giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài sẽ thực hiện qua các nền tảng số. Bên cạnh đó, trong năm 2021, hình thức triển lãm trực tuyến cũng được đẩy mạnh. Các DN được tạo lập gian hàng ảo; sản phẩm của DN được trưng bày thông qua các video clip, các hình ảnh... Khách hàng tham quan, tìm hiểu thông tin sản phẩm qua môi trường số, hoàn toàn không có tiếp xúc trực tiếp.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM trên môi trường số giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí (vé máy bay, vận chuyển hàng hóa, đi lại, ăn ở...), rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng. Năm 2021, Bộ Công Thương triển khai và phối hợp với các địa phương tổ chức hơn 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước nhằm kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa; tổ chức hàng triệu phiên giao thương trực tuyến. Bộ Công Thương cũng trực tiếp tổ chức 5 hội chợ, triển lãm trực tuyến tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 1.000 DN; đồng thời tổ chức cho DN Việt Nam tham gia hàng trăm triển lãm, hội chợ quốc tế ở nước ngoài dưới hình thức trực tuyến hoặc từ xa. Ngoài ra, Bộ Công Thương tổ chức hàng trăm khóa tập huấn nghiệp vụ XTTM trên môi trường số và bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế cho các DN trên phạm vi cả nước.
Phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động XTTM trực tuyến bước đầu đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận. Để tăng hiệu quả của phương thức này, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các DN Việt Nam cần cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; quan tâm, đầu tư cho quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhấn mạnh về yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để làm tốt công tác XTTM, DN cần ý thức hơn về việc tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, được sản xuất theo phương thức bền vững; quan tâm đến môi trường pháp lý, phương tiện và mô hình của chuyển đổi số; chú trọng đào tạo kỹ năng XTTM trong môi trường số.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của kênh XTTM trực tuyến, phương thức này cũng tồn tại hạn chế khi DN xuất nhập khẩu Việt Nam ít có cơ hội tìm hiểu về đối tác. Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro, khi triển khai XTTM trực tuyến rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và DN. Cụ thể, các DN cần sự hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hay sự hỗ trợ của sở công thương các tỉnh, thành phố. Để nâng cao hiệu quả của công tác XTTM, ông Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, ngành hàng đánh giá thực tiễn, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, định hướng hoạt động XTTM. Bộ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
" Theo qdnd.vn "