Binh đoàn 16 xây dựng địa bàn biên giới nam Tây Nguyên vững mạnh
Cán bộ Binh đoàn 16 hướng dẫn đồng bào cách cạo mủ cao su |
Đứng chân trên địa bàn chiến lược Nam Tây Nguyên, Binh đoàn 16 có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk1. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ dân trí không đồng đều, nhiều tập quán lạc hậu, hủ tục còn tồn tại. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tình trạng di, dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép,… còn xảy ra. Đó là những thách thức không nhỏ đối với Binh đoàn.
Nắm vững đặc điểm, tình hình và chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào, người lao động vùng Dự án, thực hiện mục tiêu “an dân”, dựng “phên giậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Nhằm tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn, Binh đoàn chủ động phối hợp với các địa phương khảo sát, bổ sung Quy hoạch mở rộng Dự án khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020 tầm nhìn 2030, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng và các địa phương. Trên cơ sở đó, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, trường học, bệnh xá và các công trình thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ di dân, giãn dân, phát triển sản xuất. Do địa bàn rộng, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí có hạn, nên để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, trong quá trình triển khai, Binh đoàn thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên địa bàn xung yếu và công trình quan trọng, thiết yếu trước; lồng ghép các chương trình, dự án của Đơn vị với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương, tạo sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực hiện phương châm “phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút người lao động địa phương đến đó”, Binh đoàn chú trọng xây dựng các cụm, điểm dân cư gắn với khu vực sản xuất của các nông trường, xí nghiệp; đội sản xuất đan xen với các thôn, bon, bản; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, người địa phương trở thành lao động của Binh đoàn. Đến nay, Binh đoàn đã xây dựng được 04 khu kinh tế - quốc phòng, với 56 cụm, điểm dân cư dọc vành đai biên giới; xây dựng hơn 400 km đường giao thông, 200 km đường điện trung, hạ thế, gần 40 hồ, đập, công trình thủy lợi, 80 phòng học, 42 nhà trẻ, 04 bệnh xá, 01 bệnh viện quân dân y, một nhà máy chế biến mủ cao su công suất 5.000 tấn/năm; tiếp nhận, ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 5.500 hộ dân, với khoảng 25.000 nhân khẩu, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo những “cột mốc sống”, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cùng với đó, Binh đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 16; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đổi mới công tác quản lý điều hành sản xuất, củng cố, phát triển dự án kinh tế - quốc phòng theo hướng bền vững, hiệu quả. Tăng cường hợp tác đầu tư, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến; lựa chọn, chuyển đổi cây trồng có năng suất cao. Để đạt hiệu quả, Binh đoàn tích cực tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các dự án xóa đói, giảm nghèo bền vững; hoàn thiện phương án “khoán vườn cây” và triển khai mô hình dân vận khéo “gắn kết” ở tất cả các cấp. Theo đó, Binh đoàn gắn với tỉnh; trung đoàn gắn với huyện, thị; các đội sản xuất gắn với xã, thôn, bon, bản; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ công nhân người dân tộc thiểu số. Không dừng lại ở đó, Binh đoàn triển khai có hiệu quả các phong trào: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”, xây Nhà tình nghĩa, Nhà đại đoàn kết, Nghĩa tình đồng đội; trao tặng cây, con giống,… cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn2, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố niềm tin cho đồng bào, tạo điều kiện cho họ yên tâm sản xuất, gắn bó với vườn, rừng và mảnh đất nơi “phên dậu” của Tổ quốc.
Đi đôi với phát triển kinh tế, Binh đoàn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vùng Dự án vững mạnh. Thực hiện Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg, ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, ký kết quy chế, chương trình phối hợp công tác dân vận; gắn thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng với xây dựng địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn. Các nông trường, xí nghiệp thường xuyên tổ chức các tổ, đội công tác bám địa bàn, bám dân, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cảnh giác trước các tà đạo, đạo lạ, nhất là tà đạo Hà Mòn, Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ; xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục. Binh đoàn thường xuyên quan tâm tham mưu, giúp địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng3. Chủ động phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, già làng, trưởng bản, chủ hộ gia đình khu vực biên giới; tập huấn kiến thức nghiệp vụ quản lý địa bàn, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bon, bản, thiết thực nâng cao chất lượng cơ sở chính trị, tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh khu vực Dự án.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh đoàn chú trọng thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng tự vệ, dự bị động viên; duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, luyện tập sẵn sàng chiến đấu từ cơ quan đến tổ, đội sản xuất4. Thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng, công trình phòng thủ, nhất là trên các hướng, địa bàn trọng điểm, xung yếu. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an, Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Những năm qua, Binh đoàn và các lực lượng luôn chủ động trao đổi thông tin, phối hợp ngăn ngừa, xử lý chính xác, kịp thời các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là những yếu tố phức tạp, nhạy cảm trên tuyến biên giới, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, Binh đoàn tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng với hai tỉnh: Karatie và Mundunkiri, Vương quốc Campuchia; định kỳ tham gia giao ban trao đổi tình hình với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang cấp tỉnh, huyện hai bên biên giới; phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân,… góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
Bằng các giải pháp tích cực đồng bộ, sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động, qua hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng trên địa bàn Nam Tây Nguyên, Binh đoàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt mục tiêu về cả chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Phát huy kết quả đạt được, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng khu vực biên giới Nam Tây Nguyên “giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng”, thời gian tới, Binh đoàn tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với các mặt công tác. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt “3 đột phá”5, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trong vùng dự án. Tập trung ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp, hướng dẫn, tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng trọt, bao tiêu sản phẩm, giúp đồng bào tự vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác dân vận, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”,... tạo chuyển biến đồng bộ, vững chắc cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng PHẠM NGỌC TUẤN, Tư lệnh Binh đoàn
(Nguồn tapchiqptd.vn)