Dự báo năm 2020, xuất khẩu dệt may sẽ "về đích" ở mức 34 tỉ USD
Bộ Công Thương nhận định, 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường Mỹ và một số nước châu Âu đã khiến cho tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 26,73 tỉ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác ước đạt 400 triệu USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 3,29 tỉ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo Bộ Công Thương, có thể nói, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục, nhưng với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả cùng với việc các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác.
Đây là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may, đặc biệt là trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm khoảng 20%, thậm chí có thể giảm tới 25% và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD.
Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỉ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỉ USD.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến sức mua giảm mạnh do thu nhập giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng chiến lược, có giá trị cao nay bị “thay đổi 180 độ” khi sức tiêu thụ giảm tới 80%.
Một thách thức nữa đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đó là thiết bị công nghệ hiện có buộc phải thay đổi để phù hợp với sản xuất dòng sản phẩm mới như quần áo mặc ở nhà, đồ thể thao, đồ bảo hộ lao động, khẩu trang. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đào tạo lại cho công nhân...
Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần dệt may của Việt Nam cũng có những thay đổi. Theo đó, Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (11,8% thị phần), đứng thứ 6 xuất khẩu sang châu Âu, thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%. Vitas sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo ổn định đời sống người lao động.
Bộ Công Thương đề nghị, trong thời gian tới, ngành dệt may cần chú trọng hơn đến phát triển thị trường nội địa để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn. Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỉ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng. (NT)
PHƯƠNG HẰNG
Theo qdnd.vn