Nét mới từ ứng dụng Khoa học - Công nghệ đổi mới sáng tạo tạo ở nhà máy Z131
Năng suất lao động tăng cao, chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, đó là những hiệu quả từ quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy tinh thần lao động, sáng tạo tại Nhà máy Z131, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP).
NHỮNG SÁNG KIẾN TỪ THỰC TIỄN
Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020, hệ thống máy phay tự động 6 cánh tại Xí nghiệp Cơ khí (Nhà máy Z131) đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Sau khi giới thiệu với chúng tôi về cơ chế hoạt động của hệ thống máy phay, Thiếu tá Trịnh Minh Tân, Trưởng ban Kỹ thuật (Xí nghiệp Cơ khí) chia sẻ thêm về cơ duyên anh trở thành “cây sáng kiến” của Nhà máy. “Việc cải tiến hệ thống máy phay đã được tôi nung nấu từ nhiều năm khi chứng kiến sự vất vả của công nhân đứng máy. Trước đây, để hoàn thành một sản phẩm phải mất 168 thao tác trên máy phay thông thường. Sau khi áp dụng thành công hệ thống máy phay tự động đã rút xuống chỉ còn 5 thao tác. Một công nhân hiện nay có thể đứng làm việc cùng một lúc 3-4 máy, năng suất lao động tăng lên gấp nhiều lần”. Năm 2017, ý tưởng về việc tự động hóa máy phay đã được Thiếu tá Trịnh Minh Tân báo cáo lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy. Xuất phát từ thực tế, công nhân phải liên tục thao tác để căn chỉnh sản phẩm trên máy, vừa mất nhiều thời gian vừa khó bảo đảm chất lượng đồng đều, do vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì phải tự động hóa thay thế lao động thủ công. Sau khi có ý tưởng, anh Tân bắt tay vào nghiên cứu. Qua nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm vẫn không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, anh không nản chí, mà tiếp tục tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong gần 2 năm, anh đã cải tạo máy phay cũ, có tuổi đời gần 50 năm thành máy tự động. Tiếp đến, anh cùng các cộng sự nghiên cứu chế tạo, lắp ráp thành công hệ thống máy phay tự động 6 cánh, giá thành chỉ bằng 1/2 so với thị trường.
Đó chỉ là một trong nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Nhà máy Z131 được đưa vào phục vụ sản xuất, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật và nâng cao năng suất lao động.
Hệ thống máy CNC được Nhà máy Z131 đầu tư đưa vào sản xuất. Ảnh: TUẤN MINH
TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI
Nhà máy Z131 có nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí, đạn hỏa lực trang bị cho quân đội; đồng thời, kết hợp sản xuất các mặt hàng kinh tế như thuốc nổ công nghiệp, các sản phẩm cơ khí, nhựa… phục vụ trong nước và xuất khẩu. Quy trình sản xuất đặt ra yêu cầu rất cao về an toàn, chất lượng, bí mật công nghệ. Để nâng cao chất lượng, ổn định sản xuất và tăng năng suất lao động, trong những năm gần đây, Nhà máy đã tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, các đề tài khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Nhà máy đã có 19 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, có 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 2 đề tài cấp Tổng cục CNQP và 15 đề tài cấp cơ sở. Có thể kể đến như các đề tài về áp dụng tự động hóa, bán tự động hóa, đổi mới công nghệ trong sản xuất; ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao công tác an toàn trong huấn luyện, sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị. Ngoài ra, trong năm 2020, cán bộ, công nhân viên Nhà máy còn phát huy được 572 sáng kiến, giá trị làm lợi đạt 4 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Nhà máy Z131 đã có 19 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 2 đề tài cấp Tổng cục CNQP và 15 đề tài cấp cơ sở; 572 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi khoảng 4 tỷ đồng.
(Nguồn: Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Nhà máy Z131)
Theo Trung tá Nguyễn Duy Hùng Tuyến, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Nhà máy Z131, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Nhà máy đều tập trung đẩy mạnh tự động hóa, bán tự động hóa các chặng công nghệ, qua đó giúp giảm thao tác của người lao động, hạn chế những nguyên nhân chủ quan tác động đến quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các đề tài cũng đi vào nghiên cứu công nghệ, sản phẩm mới, hướng đến tiết kiệm vật tư, giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường kinh doanh của Nhà máy. Việc phát huy các sáng kiến của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động tại Nhà máy không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn sản xuất. Cùng với sáng kiến về kỹ thuật còn có những sáng kiến về nghiệp vụ, công tác Đảng, công tác chính trị, hướng tới cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc.
Cánh tay robot hàn tự động, một trong những thiết bị hiện đại của Nhà máy Z131. Ảnh: MẠNH HƯNG
CUỘC CÁCH MẠNG TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Nói về những đổi mới nhờ công nghệ tại Nhà máy Z131 không thể không nhắc đến công cuộc chuyển đối số, từ đó xây dựng hệ thống quản lý vận hành thông minh, tiên tiến. Trung tá Nguyễn Khắc Thu, Phụ trách trưởng bộ phận Công nghệ thông tin, Nhà máy Z131, cho biết, để thúc đẩy số hóa, Nhà máy đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống mạng nội bộ kết nối các phòng, ban, xí nghiệp. Đây là điều kiện nền tảng để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Trong đó, có thể kể đến phần mềm văn phòng điện tử cho phép gửi, nhận văn bản điện tử, phần mềm quản trị kế hoạch công việc trên mạng nội bộ. Nhà máy cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, vật tư, lao động, tiền lương; đưa vào sử dụng hệ thống chấm công nhận diện bằng khuôn mặt. Ngoài ra, còn nhiều ứng dụng số hóa khác, như: hệ thống quản lý, thống kê số liệu sản xuất, hệ thống gửi xe tự động, camera giám sát sản xuất và an ninh...
Hiện nay, các khâu sản xuất chính tại Nhà máy đều đã cơ bản được tự động hóa hoặc bán tự động hóa, nhất là những khâu nguy hiểm, độc hại.
Đánh giá về hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào điều hành, sản xuất, kinh doanh, Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ điện và Vật liệu nổ 31 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z131) nhấn mạnh đến kết quả nổi bật trong việc tối ưu hóa quy trình công việc. Đơn cử như hệ thống quản lý sản xuất qua ứng dụng công nghệ thông tin, trước đây công nhân ghi kết quả sản xuất vào sổ, thống kê từng ngày, từng người, tổng hợp, báo cáo qua các phòng, ban, mất nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, phần mềm đã làm thay những công việc đó, thông tin được cập nhật nhanh với độ chính xác cao. Công nhân sau khi hết ca làm việc sẽ nhập số liệu vào máy tính, khi đưa lên mạng nội bộ, tất cả phòng, ban đến lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đều biết được kết quả sản xuất hằng ngày. Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử cũng mang đến hiệu quả nổi bật, văn bản của Nhà máy sau khi được phê duyệt sẽ đưa lên mạng nội bộ để mọi người đều nắm được, nhờ vậy đã giảm đáng kể lượng văn bản giấy. Đây cũng là tiền đề để Nhà máy hướng đến áp dụng hệ thống sản xuất thông minh, khi nhập số liệu đầu vào là thông tin của đơn hàng, hệ thống sẽ tính toán ra vật tư cần bảo đảm, tiến độ công việc cụ thể, giúp Nhà máy chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất.
Cán bộ Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Nhà máy Z131, thảo luận phương án thiết kế chế tạo sản phẩm mới. Ảnh: BẢO MINH
Vẫn theo Đại tá Hoàng Thanh Sơn, việc đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại cũng là yếu tố quan trọng để Nhà máy Z131 bắt nhịp với yêu cầu ngày càng cao về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ví dụ như dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp tại Nhà máy hiện nằm trong nhóm công nghệ hiện đại nhất của Việt Nam và thế giới về lĩnh vực này. Với tính tự động hóa cao, dây chuyền chỉ cần 6-7 người vận hành, thay vì trước đây cần đến 21 người mỗi ca, cùng với tăng chất lượng sản phẩm, năng suất cũng được nâng lên gấp đôi. Nhà máy Z131 là đơn vị tiên phong trong việc đưa vào sử dụng dây chuyền này, hiện nay đã minh chứng bằng hiệu quả thực tế. Nhà máy cũng vừa đưa vào sử dụng cánh tay robot hàn tự động, hỗ trợ đắc lực cho công nhân, sản phẩm đồng đều về chất lượng.
Song hành với tăng cường đầu tư cho thiết bị, công nghệ, Nhà máy Z131 cũng đẩy mạnh phát huy nội lực bằng việc khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, phát huy năng lực của từng cán bộ, kỹ sư, người lao động thông qua nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Để khả năng sáng tạo không ngừng được phát huy, Đại tá Hoàng Thanh Sơn cho rằng, trước hết, nghiên cứu, sáng kiến phải xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn thì mới có hiệu quả. Qua đó, năng suất tăng lên, thu nhập của người lao động tốt hơn, tạo động lực để mỗi người thêm cố gắng. Từ ý tưởng nhỏ đến đề tài nghiên cứu ở quy mô lớn đều được Nhà máy ghi nhận và có hình thức khen thưởng xứng đáng, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của từng cá nhân, tập thể. Bên cạnh đó, Nhà máy thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao tay nghề, người lao động phải liên tục được đào tạo và đào tạo lại với nhiều hình thức như đào tạo tại chỗ, phối hợp với các đối tác chuyển giao công nghệ và gửi đi các cơ sở đào tạo. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, lành nghề luôn được xác định là yếu tố then chốt để Nhà máy tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất, làm chủ công nghệ, thiết bị, tiếp đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Có thể nói, từ việc triển khai đồng bộ công tác nghiên cứu, ứng dụng đề tài khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, đến việc thực hiện mô hình chuyển đổi số đã thực sự làm chuyển biến mạnh mẽ công tác điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Z131. Hiện nay, các khâu sản xuất chính tại Nhà máy đều đã cơ bản được tự động hóa hoặc bán tự động hóa, nhất là những khâu nguy hiểm, độc hại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng môi trường làm việc an toàn, văn minh, hiện đại.
Nguồn: http://www.eme31.com.vn/