Tổng công ty Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET): Nỗ lực đột phá, hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc phòng và Kinh tế
Tổng công ty Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET): Nỗ lực đột phá, hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc phòng và Kinh tế
Là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng công ty (TCT) Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET) là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là hoạt động thương mại quân sự (TMQS) và kinh doanh, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN). Từ sự năng động, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng, TCT đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội được BQP giao.
Đoàn cán bộ Tổng cục CNQP đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET). Ảnh: Thu Hương
Tiền thân của TCT kinh tế - kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng là Cục Vật tư nhiên liệu thuộc Tổng cục Hậu cần, được thành lập ngày 27/6/1962, tại Quyết định số 17/QĐ của Bộ trưởng BQP, TCT kinh tế - kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (CNQP) được thành lập từ Cục Vật tư nhiên liệu thuộc Tổng cục Hậu cần. Tháng 4/2017, Bộ trưởng BQP có Quyết định điều chuyển nguyên trạng TCT từ Tổng cục CNQP về trực thuộc BQP. Đến thời điểm này, TCT đã trải qua 57 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từng bước vươn lên khẳng định uy tín, vị thế của một doanh nghiệp quốc phòng - an ninh lớn mạnh của Quân đội; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, TCT không chỉ đảm bảo chức năng cung ứng VLNCN mà chức năng TMQS cũng luôn được TCT phát huy hiệu quả nhằm xây dựng ngành CNQP, xây dựng Quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Đối với hoạt động TMQS, TCT tập trung vào 3 lĩnh vực chính, đó là: Mua sắm trang, thiết bị mới, hiện đại phục vụ cho Quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; Chuyển giao công nghệ, sửa chữa, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị và khí tài quân sự; Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm CNQP do Việt Nam sản xuất. Bám sát và thực hiện Nghị quyết lãnh đạo của QUTW, sự chỉ đạo của BQP, những năm qua, TCT đã triển khai và thực hiện tốt các dự án trọng điểm, quan trọng, có ý nghĩa lớn về mặt chính trị trong việc nâng cao sức chiến đấu của Quân đội như: Thực hiện các dự án chuyển giao dây chuyền công nghệ; mua sắm các trang thiết bị quân sự trong toàn quân; cải tiến, nâng cấp một số loại vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo vật tư, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, dự trữ, nghiên cứu chế thử của Tổng cục CNQP. Cùng với đó, TCT đã thực hiện tốt chức năng tham mưu kịp thời, chính xác, hiệu quả giúp BQP trong việc tiếp cận và lựa chọn các đối tác uy tín trên thế giới trong lĩnh vực trang, thiết bị quân sự, góp phần hiện đại hóa nền CNQP Việt Nam nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Ngoài ra, TCT cũng tích cực, chủ động hướng tới hoạt động xuất khẩu các sản phẩm CNQP do Việt Nam sản xuất theo đúng chủ trương, định hướng của BQP. Thông qua hoạt động TMQS, vai trò và vị thế của TCT đã được khẳng định, tạo được sự tin tưởng và đánh giá cao của thủ trưởng BQP, các quân binh chủng trong toàn quân và sự tin cậy, tín nhiệm của các đối tác bạn hàng lớn trong và ngoài nước.
Đối với lĩnh vực kinh doanh và cung ứng VLNCN: Với mạng lưới hơn 30 kho, phân bổ trên 20 tỉnh thành và nước bạn Lào, các đơn vị và tổ công tác thực hiện nhiệm vụ xuất, nhập khẩu, cung ứng VLNCN cho các ngành xây dựng, giao thông, khai khoáng… phục vụ nền kinh tế quốc dân, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. TCT đã ghi dấu ấn tại các công trình trọng điểm quốc gia như: Hầm đường bộ đèo Hải Vân, thuỷ điện Sơn La, thuỷ điện Đồng Nai 3, thuỷ điện Đồng Nai 4, thuỷ điện Buôn kuốp - Đắk Lắk, đường Hồ Chí Minh… Hoạt động kinh doanh VLNCN không chỉ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị mà còn góp phần bảo toàn năng lực sản xuất cho các nhà máy sản xuất VLNCN trực thuộc Tổng cục CNQP. Bên cạnh đó, Tổng công ty chú trọng trong việc xuất khẩu VLNCN sang nước bạn Lào - Điều này giúp tăng cường, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ quốc phòng giữa 2 nước Việt Nam - Lào. Để tăng cường năng lực kinh doanh cung ứng VLNCN, TCT chú trọng cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng như: Dịch vụ khoan, nổ mìn, rà phá bom mìn, dịch vụ đo địa chấn. Hiện nay, TCT được đánh giá là 1 trong 20 nhà cung cấp dịch vụ nhập khẩu VLNCN dùng trong thăm dò và khai thác dầu khí uy tín, tiêu biểu của ngành dầu khí Việt Nam.
Ngoài ra, TCT còn thực hiện sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực khác như: Sản xuất công nghiệp; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... Trong sản xuất công nghiệp, TCT luôn chủ động tổ chức sản xuất các mặt hàng kinh tế đảm bảo chất lượng và tiến độ giao hàng. Duy trì, giữ vững các thị trường truyền thống, nhóm sản phẩm chủ chốt, có giá trị kinh tế, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cho quân nhân xuất ngũ, TCT luôn bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, công tác hậu phương quân đội đối với đối tượng lao động tại 62 huyện nghèo và quân nhân xuất ngũ. Những năm qua, uy tín và thương hiệu TCT luôn được khẳng định và liên tục được xếp là 1 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất và được Hiệp hội Xuất khẩu lao động và Tổ chức lao động quốc tế ILO xếp hạng doanh nghiệp dịch vụ đạt chất lượng 5 sao...
Có thể khẳng định, những nỗ lực và thành quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, TCT GAET đạt được thời gian qua mang ý nghĩa nhiều mặt, góp phần rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Quân đội giao phó, bảo đảm tốt đời sống và thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; giữ gìn và phát triển hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp quân đội đối với bạn hàng, đối tác trong và ngoài nước; là bước cụ thể hóa và phát triển lên tầm cao mới của mục tiêu, khẩu hiệu hành động “Hợp tác bền lâu, cùng nhau phát triển” trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Trong Chiến lược phát triển đến năm 2025 và định hướng năm 2030, GAET đặt mục tiêu xây dựng TCT với quy mô lớn và thương hiệu mạnh cả về thương hiệu, năng lực và là một trong những doanh nghiệp quốc phòng 100% vốn nhà nước tiêu biểu của BQP. GAET mạnh dạn cơ cấu lại bộ máy trên cơ sở tập trung vào các nhiệm vụ chính: TMQS, chuyển giao công nghệ, kinh doanh tiền chất và VLNCN, tổ chức sự kiện trong và ngoài nước. Trong đó, GAET thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau: Tập trung chiến lược phát triển nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tiếp tục đẩy mạnh các ngành nghề kinh doanh có khả năng cạnh tranh trên thị trường; Sắp xếp lại bộ máy tinh, gọn, mạnh, áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp tiên tiến, rút gọn các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả, gắn với điều chỉnh tổ chức, lực lượng trong đơn vị; Nghiên cứu sáp nhập, cơ cấu lại các đơn vị có cùng chức năng, ngành nghề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung, bảo đảm vốn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, kiên quyết phá bỏ quan điểm sáp nhập cơ học. TCT trực tiếp điều hành hoạt động SXkD, đồng thời thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng và kiểm soát chặt chẽ các đơn vị thành viên thông qua chiến lược kinh doanh, tài chính, nhân sự chủ chốt, đầu tư, đào tạo, cải tiến công nghệ.
Tập huấn phòng cháy, chữa cháy tại các kho chứa vật liệu nổ của Tổng công ty GAET. Ảnh: Ngọc Anh
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc TCT tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả SXkD, tích cực hội nhập trong tình hình mới. TCT tiếp tục đổi mới để nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò của kinh tế - quốc phòng đối với kinh tế đất nước và khu vực. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, TCT GAET nỗ lực khai thác thị trường và các lĩnh vực tiềm năng, tích cực nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hoạt động SXkD, TCT luôn coi trọng và thực hiện tốt việc giữ chữ “tín” với khách hàng. Điều này vừa là mục tiêu đồng thời là động lực phấn đấu; được mỗi cán bộ, viên chức, người lao động coi là tài sản tạo dựng nên giá trị thương hiệu doanh nghiệp; mang lại lợi ích trực tiếp cho đơn vị và Quân đội.
Thứ hai, coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp mẫu mực mang phong thái và đặc trưng riêng biệt của “người lính trên mặt trận kinh tế”. TCT GAET luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và hệ thống quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa mang tính đặc trưng của doanh nghiệp quân đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tham gia phát triển kinh tế. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp được xác định là việc tuân thủ pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, thể hiện tác phong công nghiệp, phẩm chất doanh nghiệp quân đội Anh hùng đặc biệt là tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp chung, TCT GAET luôn chú trọng quan tâm đến từng thành viên trong đơn vị, đề cao tình đồng chí, đồng đội, tinh thần tương thân tương ái để mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động luôn cảm nhận GAET chính là ngôi nhà thứ 2 của mình, cùng nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu phát triển chung của đơn vị.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả lộ trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ của BQP, TCT đã tiến hành rà soát chặt chẽ các khâu, các bước; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc tái cấu trúc, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trong toàn TCT. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, để nâng cao năng lực cạnh tranh, TCT đặt ra mục tiêu không ngừng nâng cao vị thế đối với thị trường quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Nhà nước, Quân đội, phát huy vai trò ảnh hưởng của kinh tế quốc phòng đối với kinh tế Việt Nam và khu vực.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và đóng góp xã hội. TCT luôn xác định con người là yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần quyết định cho sự thành công của doanh nghiệp, chính vì vậy mà GAET đặc biệt quan tâm tới nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong những năm qua, TCT luôn chú trọng quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực từ khâu bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ, cử đi đào tạo tại các trường trong và ngoài Quân đội, khuyến khích mọi cán bộ, công nhân viên tự giác tham gia học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thông qua các chính sách thu hút nhân tài, TCT đã lựa chọn được những cán bộ, nhân viên có khả năng, nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm... đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Thứ năm, nâng cao vai trò quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp. Nắm bắt xu hướng SXkD trong Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu - bao gồm sản xuất thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo và internet of Things, TCT đã định hướng các phòng ban, cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản trị và kinh doanh để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức từ đó tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn, giúp TCT thực hiện thắng lợi mục tiêu của mình, đưa thương hiệu GAET ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, công tác chính sách hậu phương Quân đội và công tác dân vận được TCT quan tâm duy trì và thực hiện có hiệu quả, như: Tích cực tham gia xây dựng các quỹ, các hoạt động chính sách, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ giúp đỡ các địa phương trên địa bàn, giữ vững mối quan hệ đoàn kết quân dân...
Thượng tá Phan Tiến Thọ
Tổng Giám đốc TCT GAET